Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Viêm amidal và cách xử lý


Viêm amidal có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, lây lan từ người này sang người khác bởi những phần tử trong không khí hoặc những cái bắt tay, ôm hôn... Đặc điểm của bệnh này là đau ở trong họng và khó nuốt. Viêm amidal thông thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị và thường thì không có biến chứng. Tuy nhiên, không ít trường hợp, viêm amidal gây biến chứng và khó chịu cho người bệnh nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng.

Amidal bị viêm như thế nào?

Rất nhiều loại vi khuẩn, virut khác nhau tiểm ẩn có thể gây ra viêm amidal, ví dụ như Epstein - Barr virus là một nguyên nhân thường gặp. Nó thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt trong những trường hợp như ở lớp học, giảng đường đại học, virut dễ dàng lây từ người này sang người khác do sự tập trung đông người. Trong số các loại vi khuẩn hay gây ra viêm họng thì hay gặp nhất là liên cầu nhóm A, người ta thường gọi là viêm họng liên cầu. Trong giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn từ khi nhiễm khuẩn đến khi bệnh toàn phát (thường từ 2 - 4 ngày, có thể ít hơn).
Các triệu chứng của viêm amidal là gì?
- Đau trong họng (có khi rất đau, có thể kéo dài hơn 48 giờ) và có thể kết hợp với khó nuốt. Đau có thể lan lên tai; họng đỏ, amidal sưng và có thể được phủ bởi những chấm trắng; có thể sốt cao; có thể sưng hạch dưới hàm và hạch cổ, đau đầu; có thể mất tiếng hoặc thay đổi giọng nói.
- Nếu đau họng là do nhiễm virut thì triệu chứng thường nhẹ và liên quan đến cảm cúm thông thường.
- Nếu viêm họng do virus Coxsackie thì có những mụn phỏng mọc ở amidal và vùng vòm khẩu cái. Những mụn phỏng này sẽ vỡ trong vài ngày thành những vết loét, những vết loét này sẽ rất đau.
- Nếu viêm họng do nguyên nhân nhiễm liên cầu, amidal thường sưng và bị bao phủ bởi những chấm trắng và họng đau. Bệnh nhân có sốt cao, hơi thở hôi và cảm thấy người rất mệt.
Những bệnh cảnh khác nhau này nhiều khi rất thay đổi và chúng ta cũng không thể nhìn vào họng ai đó mà nói rằng: đây là viêm do virut (điều trị bằng kháng sinh sẽ không hiệu quả) hoặc do vi khuẩn (có thể điều trị được bằng kháng sinh).
Lời khuyên tốt
- Nếu có dấu hiệu của viêm họng kéo dài quá vài ngày hoặc đau rất nặng gây khó nuốt, sốt cao và nôn, nên đi khám bác sĩ.
- Uống nước ấm, ăn thức ăn lỏng, dùng các loại thuốc súc miệng (như nước muối pha loãng, dung dịch súc miệng sát khuẩn có bán sẵn).
- Đau họng nhiều có thể làm cho bệnh nhân không muốn nuốt, đây là lý do thường gặp làm cho bệnh nhân bị mất nước do sốt và do thở bằng miệng. Bù nước và điện giải sẽ làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn. Điều quan trọng là người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ và phải giữ ấm cơ thể.
Chẩn đoán xác định viêm amidal
Bác sĩ thường chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và các dấu hiệu của bệnh, đôi khi phải cấy dịch tiết cổ họng và thử máu để xác định nguyên nhân.
Biến chứng của amidal là gì?
Thường là viêm họng cũng như viêm amidal thì không gây biến chứng gì, chỉ gây biến chứng khi kéo dài quá 1 tuần. Dưới đây là những biến chứng: Viêm nhiễm thứ phát như: viêm tai giữa, viêm xoang. Nếu viêm họng do liên cầu thì có thể gây sốt phát ban (bệnh ban đỏ). Một biến chứng hiếm gặp là áp-xe họng, thường xảy ra ở một bên. Nếu lớn cần phải chích rạch tháo áp-xe. Trong một số hiếm trường hợp có thể gặp biến chứng như: thấp khớp, viêm thận (hiện nay hiếm gặp hơn so với nhiều thập niên trước đây).
Điều trị như thế nào?
Trong hầu hết trường hợp, viêm nhiễm thường gây ra do virut chỉ cần điều trị triệu chứng bằng paracetamol (ví dụ: calpol, panadol) để hạ sốt.
Trong một số ít bệnh nhân viêm amidal gây ra do vi khuẩn thì điều trị bằng penicillin hoặc erythromycin (nếu bệnh nhân bị dị ứng penicillin). Trường hợp dùng kháng sinh trong 2 - 3 ngày đã hết sốt thì người bệnh vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc cho đủ phác đồ điều trị, tránh tình trạng bị kháng thuốc cho những lần viêm nhiễm tiếp theo.
Phẫu thuật cắt amidal có thể cần thiết cho những bệnh nhân viêm đi viêm lại nhiều lần hoặc những bệnh nhân viêm amidal nặng không đáp ứng với phác đồ điều trị hoặc ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập và công tác. Nhưng ngày nay, trên thế giới, người ta cắt amidal ít hơn nhiều so với trước đây.
Theo SK&ĐS

Viêm amidan và chỉ định cắt bỏ amidan


Amidan là mô lympho ở hai bên thành họng sau khoang miệng, cấu trúc tương tự như hạch lympho có các nang lympho với các mầm lympho sản sinh tế bào lympho và tương bào. Amidan có lớp vỏ bọc là biểu mô lát tầng, lớp biểu mô tạo thành 15-20 khe lỗ luồn sâu vào amidan tạo thành các hốc trên bề mặt amidan.
Vùng họng có 2 amidan vòi nằm xung quanh lỗ vòi nhĩ, amidan vòm họng, amidan gốc lưỡi và hai amidan khẩu cái thường có kích thước lớn hơn cả, tạo thành vòng Waldeyer.
Hệ thống amidan có vai trò bảo vệ chống nhiễm khuẩn đã được nhiều công trình nghiên cứu công bố như: tạo lympho bào, tăng phản ứng với vi khuẩn, tổng hợp kháng thể IgAs và còn có chức năng thực bào. Tuy vậy, theo một số công trình nghiên cứu khi toàn bộ hệ thống lympho phát triển hoàn thiện, nếu cắt bỏ một phần nào đó, người ta không thấy ảnh hưởng nhiều tới vai trò miễn dịch của cơ thể. 

Do vị trí cấu tạo của amidan nằm ở cửa ngõ đường thở nên vấn đề viêm nhiễm rất dễ xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu thường do tác động của môi trường ô nhiễm như bụi, khói than, hóa chất, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng tới sức căng bề mặt màng tế bào biểu mô, nhất là ở những người cơ địa dị ứng sức bền màng tế bào thường kém, nên vi khuẩn, virut dễ xâm nhập amidan. Chúng ta có thể phân loại khái quát mức độ và nguyên nhân viêm amidan như sau: 
l Viêm amidan cấp không đặc hiệu:
Lâm sàng biểu hiện trước tiên là đau họng kèm theo sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi kèm theo chảy nước mắt. Tại chỗ 2 amidan viêm sưng to quá phát, kèm theo viêm đỏ lan tỏa vùng họng. Xét nghiệm cận lâm sàng công thức máu số lượng bạch cầu thường không tăng, bạch cầu trung tính không chuyển trái (tỷ lệ thường < 50%). Những trường hợp này thường viêm amidan 90% là do virut cúm A, B, C hoặc á cúm (adenovirut, rhinovirut, ecpet v.v...). 
Ðối với những trường hợp này, hạn chế sử dụng kháng sinh, nên dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: chống phù nề, giảm đau kèm theo kháng histamin và vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như angispray, eludril, locabiotal, givalex v.v... hoặc nước muối pha loãng. 
l Viêm amidan cấp tính đặc hiệu do vi khuẩn: 
Các triệu chứng trên lâm sàng thường biểu hiện sốt cao đột ngột, đau họng tăng, thường đau lan tỏa vùng tai kèm theo hạch lân cận sưng to, người mệt mỏi, khám tại chỗ amidan viêm to kèm theo các hốc mủ, miệng hôi, xuất hiện màng giả tại amidan. 
Các xét nghiệm máu: công thức bạch cầu, số lượng bạch cầu tăng cao, bạch cầu trung tính tăng (> 70-85%), thường gặp 50% ASLO (+) (viêm amidan do liên cầu khuẩn). 
Ngoài ra còn gặp viêm amidan do xoắn khuẩn (thường gặp viêm amidan màng giả kèm theo loét hoại tử. Xét nghiệm đặc hiệu quyệt tại chỗ amidan soi tươi tìm xoắn khuẩn). 
Săng giang mai amidan; lâm sàng biểu hiện vết trợt nông tròn hoặc bầu dục, không có mủ. 
Những trường hợp xét nghiệm xác định được vi khuẩn gây bệnh, cần lựa chọn kháng sinh đặc hiệu để điều trị. 
Chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amidan hiện nay khá chặt chẽ bởi liệu pháp kháng sinh đặc hiệu rất hiệu quả trong điều trị amidan. Chỉ cắt bỏ khi nào amidan viêm mãn tính kéo dài, tái phát thường xuyên hàng tháng, ảnh hưởng tới đời sống, học tập, công tác; có tiền sử viêm tấy quanh amidan, xuất hiện hội chứng ngạt thở khi ngủ. Với viêm cầu thận cấp do viêm amidan, sau khi điều trị viêm cầu thận cấp ổn định nên chỉ định cắt bỏ amidan. 
Ðể phòng ngừa viêm amidan, nên vệ sinh đường mũi - họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn angisp-ray, eludril, locabiotal, givalex hoặc nước muối pha loãng (NaCl 0,9%)... sau khi ăn buổi tối và buổi sáng. Tránh dùng nước đá quá lạnh, quá nhiều và ra vào phòng lạnh đột ngột nhất là khi điều kiện nhiệt độ ngoài môi trường cao trong những ngày hè nóng bức. Ðồng thời nên dùng khẩu trang tránh bụi khi làm việc những nơi có mức độ ô nhiễm cao.
Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Nghĩa 
Nguồn: Báo sức khoẻ và đời sống số 82 -

Có mấy loại viêm họng ?


Viêm họng là viêm cấp niêm mạc hầu (hầu là ngã tư giao lưu của các đường hô hấp và tiêu hóa). ít khi viêm lan tỏa toàn bộ hầu mà thường chỉ khu trú ở các amiđan (viêm amiđan).
Nguyên nhân gây viêm họng là các virut, đôi khi cũng là vi khuẩn (nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn hoặc haemophilus). Viêm họng rất hay gặp ở những người bị sổ mũi hoặc cúm; hãn hữu nó là dấu hiệu báo trước của một bệnh khác nặng hơn (tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn hoặc bạch hầu). Có ba loại viêm họng: viêm họng đỏ, viêm họng trắng và viêm họng loét.
Viêm họng đỏ

Niêm mạc hầu đỏ hơn bình thường. Có nhiều loại viêm họng đỏ: 
- Viêm họng đỏ xuất tiết: Loại này hay gặp nhất, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi. Sốt, nuốt đau, đau đầu. Khám họng thấy niêm mạc hầu đỏ hơn bình thường, các amiđan to nhiều hay ít. Có thể có biến chứng viêm tấy quanh amiđan (áp xe giữa thành hầu và amiđan) gây cứng khít hàm (co cứng các cơ nhai) và khó nuốt.
- Viêm họng trong các bệnh phát ban: Ðây là triệu chứng chủ yếu của các bệnh tinh hồng nhiệt, sởi, rubêon.
- Viêm họng liên cầu khuẩn của thấp khớp cấp: Viêm họng thường xuất hiện nhiều ngày hoặc nhiều tuần trước khi có biểu hiện thấp khớp cấp. Bệnh nhân nôn, đau đầu, amiđan viêm to. Xét nghiệm thấy liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A; loại này có thể gây những tổn thương ở khớp, tim, thận.
Ðiều trị
Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh bị lạnh. Ăn nhẹ, uống nhiều nước. Dùng các thuốc súc miệng, phun họng, kháng sinh đường toàn thân như penixilin kèm với thuốc giảm đau, chống viêm, hạ nhiệt... Nếu bệnh nhân hay tái phát, nên phẫu thuật cắt bỏ amiđan.
Viêm họng trắng
Niêm mạc hầu phủ một lớp bựa trắng. Có nhiều loại viêm họng trắng:
- Viêm họng bựa: Triệu chứng cũng giống như viêm họng đỏ nhưng trên mặt amiđan có phủ một lớp bựa trắng có thể bóc ra một cách dễ dàng.
- Viêm họng có màng giả: Tạo nên một lớp bựa dính chắc hơn (màng giả có màu xám) khiến ta phải nghi là bệnh bạch hầu. Cần xét nghiệm vi khuẩn cẩn thận; nếu hơi có chút gì nghi ngờ phải tiêm huyết thanh chống bạch hầu ngay để khỏi bỏ qua bệnh này. Loại viêm họng này thường là dấu hiệu báo trước của bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
- Viêm họng mụn nước và viêm họng hecpet (mụn rộp) do virut bệnh zona và virut hecpet. Khám thấy vùng khẩu hầu có màu đỏ rải rác có nhiều mụn nhỏ trắng còn lành hay đã vỡ, giống như những nốt loét nhỏ.
Ðiều trị
Bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi, tránh bị lạnh. Dùng các thuốc súc miệng, phun thuốc vào họng, kháng sinh đường toàn thân. Tuy nhiên kháng sinh không có tác dụng với viêm họng mụn nước trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn. Thông thường chỉ cần dùng thuốc giảm đau là đủ.
Viêm họng loét
Niêm mạc hầu có một hay nhiều nốt loét. Có nhiều loại viêm họng loét: 
- Viêm họng Vincent: Chủ yếu gặp ở vị thành niên hoặc người trẻ tuổi. Bệnh có đặc điểm là phát triển đồng thời ở niêm mạc hầu hai loại vi khuẩn là trực khuẩn hình thoi và xoắn khuẩn. Chẩn đoán dễ dàng bằng xem kính phết họng dưới kính hiển vi sau khi đã nhuộm vi khuẩn (nhuộm Gram). Thường chỉ một bên hầu bị tổn thương: viêm amiđan một bên với những nốt loét mềm mại khi sờ vào và có màng giả. Ðây cũng có thể là do không giữ tốt vệ sinh răng miệng.
- Viêm họng Duguet: Gặp ở bệnh nhân thương hàn. Ðặc điểm là: nốt loét không đau khu trú ở một hoặc hai cột màn hầu. 
- Viêm họng trong các bệnh máu: Hay gặp ở bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn hoặc bệnh bạch cầu (leucémie). 
- Viêm họng Ludwig: Sốt cao, đau nhiều ở họng, cổ bị biến dạng.
 Ðiều trị. Chủ yếu là dùng penixilin và điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Theo skds 

Dùng thuốc nên biết: Viêm mũi xoang và thuốc điều trị


Bệnh viêm mũi xoang tiến triển theo từng mức độ khác nhau, có thể ở giai đoạn sớm bệnh biểu hiện chủ yếu là viêm mũi cấp từng đợt, theo chu kỳ của thời tiết như: hắt hơi liên tục (mỗi khi sáng dậy khi gặp thời tiết thay đổi như nhiễm lạnh, hoặc gặp mùi của hóa chất, sau khi uống bia rượu...), kết hợp chảy nước mũi trong, số lượng nhiều, sau đó là ngạt mũi từng bên hoặc cả hai bên mũi.
Nếu viêm mũi ở giai đoạn sớm để kéo dài không điều trị sớm và dứt điểm bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn viêm mũi mạn tính kết hợp với tổn thương xoang. Lúc này, mũi ngạt tắc thường xuyên, kết hợp khạc đờm đặc kéo dài cùng với các triệu trứng đau vùng xoang mặt hai bên cánh mũi, nếu nặng hơn sẽ có đau vùng hốc mắt và giảm thị lực. Giai đoạn này cần khẩn trương đến khám chuyên khoa tai - mũi - họng, kết hợp chụp phim X.quang tư thế Blondeau và Hietz, nếu có điều kiện người bệnh cần được nội soi mũi xoang để chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương mũi xoang. 
Như vậy bệnh viêm mũi xoang thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng (chiếm tỷ lệ đáng kể) và những người sống trong điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Do vậy quan niệm điều trị hiện nay trước tiên là phải giải quyết tốt việc chống dị ứng, chống nhiễm khuẩn, giảm phù nề, chống tăng tiết dịch ở hệ thống tế bào tiết nhầy (cân bằng việc tăng tiết nhầy của tế bào đài ở lớp niêm mạc). Nguyên tắc điều trị là không nên lạm dụng sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi, cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đơn của các thầy thuốc chuyên khoa. 

Việc sử dụng các thuốc chống dị ứng, chủ yếu là thuốc kháng histamin. Ðối với những thuốc thế hệ cũ có nhược điểm gây buồn ngủ (chlopheniramin, pipolphen, phenergan), các thuốc kháng histamin thế hệ mới thường ít gây buồn ngủ (loratadin, telfats, clarityne, zaditen...) nhưng giá thành đắt hơn. 
Ðối với thuốc chống phù nề, chủ yếu sử dụng các thuốc có nguồn gốc alphachymotrysin, hiện nay có rất nhiều biệt dược như alpha choay, danzen... nhưng tác dụng hầu như giống nhau, cần lưu ý sử dụng liều lượng cho phù hợp. 
Chỉ nên sử dụng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn. ở giai đoạn viêm nhiễm có sốt, đau kèm theo khạc đờm đặc thì nên sử dụng kháng sinh, tốt nhất nên chọn loại kháng sinh phân bố và hấp thụ theo tuyến nước bọt, đồng thời lựa chọn kháng sinh phù hợp với sự đáp ứng của chủng vi khuẩn gây bệnh. Ðối với nhóm kháng sinh beta-lactam, hiện nay thường sử dụng augmentin (amoxilin + acid clavulanic). 
Nhóm cephalosporin - là nhóm kháng sinh được sử dụng khá phổ biến, với ba thế hệ, thế hệ thứ một tiêu biểu là cephalotin tác dụng chủ yếu trên tụ cầu. Thế hệ thứ hai có tác dụng tốt hơn thế hệ thứ nhất, vừa tác dụng trên vi khuẩn gram (+), vừa tác dụng vi khuẩn đường ruột gram (-), thuốc thông dụng khá phổ biến hiện nay là nhóm cefuroxim (zinnat) có tác dụng đối với tụ cầu, liên cầu, phế cầu, màng não cầu, lậu cầu, nên uống sau bữa ăn để thuốc hấp thu cao. Thế hệ thứ ba điển hình là cefotaxim có tác dụng trên liên cầu, phế cầu, tụ cầu, và để điều trị viêm màng não do vi khuẩn có tác dụng rất tốt vì thuốc vượt qua hàng rào máu não, thời gian bán hủy thuốc kéo dài hơn so với thế hệ 1-2. Nhóm macrolid (erytromyxin, rovamyxin, clarytromyxin...) có tác dụng đối với liên cầu nhóm A, Streptococus, màng não cầu, phế cầu, những thuốc này nên uống trước bữa ăn. Nhóm aminosid thông dụng nhất là streptomycin, gentamycin có tác dụng tốt với trực khuẩn gram (-) đường ruột, tụ cầu. Hiện nay nhóm thuốc này rất ít được sử dụng vì tác dụng phụ thường gây độc cho tai trong (các thống kê cho thấy 2% gây tổn thương tiền đình, 66% tổn thương chức năng nghe, 16% tổn thương kết hợp cả hai là tiền đình và chức năng nghe). 
Theo SK&ĐS

Bệnh viêm mũi xoang dị ứng


Tôi bị viêm mũi xoang dị ứng. Xin hỏi có cách nào điều trị khỏi được không? Trần Lan Hoa (Ninh Bình)
Viêm mũi xoang dị ứng cũng là một biểu hiện cục bộ tại mũi xoang. Khi tiếp xúc với các dị nguyên (yếu tố gây dị ứng) như bụi nhà, thực phẩm (trứng, sữa, các loại hải sản...), thuốc, phấn hoa, sự thay đổi các yếu tố của môi trường: độ ẩm, nhiệt độ..., tinh thần căng thẳng, nội tiết tố, vi khuẩn, virut...

- Bệnh biểu hiện bằng hai hình thái: viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc viêm mũi dị ứng quanh năm.
Người bệnh rất nhạy bén với các biến đổi trong mũi, cảm thấy ngứa ngáy, buồn buồn trong mũi rồi hắt hơi hàng tràng sau đó chảy nước mũi trong như nước mưa, rồi bắt đầu ngạt tắc mũi làm bệnh nhân cảm giác khó thở, nói giọng mũi và suy giảm ngửi, có khi mất ngửi.


Soi mũi thấy hình ảnh niêm mạc mũi gần như bình thường, nếu viêm mũi dị ứng lâu có màu tím hoa cà. Cuốn mũi dưới phù nề, sung huyết, tương đối cân xứng hai bên, màu tím nhạt, ẩm ướt. Có thể thấy khe giữa nề, có các pôlíp.
- Chẩn đoán chủ yếu dựa vào hỏi tiền sử dị ứng của bản thân người bệnh cũng như gia đình họ.
- Các dấu hiệu thăm khám như đã mô tả kết hợp với một số xét nghiệm như tìm tế bào ái toan trong dịch mũi, test thăm dò vùng ngoài da như test lẩy da, test nội bì...
- Dự phòng bằng thay đổi môi trường sống nếu tìm được yếu tố dị nguyên nhưng phương pháp này thường rất khó thực hiện, chủ yếu giữ nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ. Nâng cao sức đề kháng tự nhiên của cơ thể bằng các yếu tố vi khoáng chất, khí hậu liệu pháp, tắm suối nước nóng, châm cứu, tập thể dục thường xuyên...
- Điều trị triệu chứng bằng thuốc kháng histamin, corticoid toàn thân và tại chỗ do thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng chỉ định.
- Điều trị đặc hiệu bằng phương pháp giải mẫn cảm tức là đưa dị nguyên vào cơ thể với liều nhỏ và tăng dần để tạo kháng thể bao vây, thay đổi cách đáp ứng của cơ thể với yếu tố dị nguyên và vì thế làm mất triệu chứng dị ứng.

Thời gian điều trị thường kéo dài từ 6 tháng đến 5 năm.
Trường hợp thoái hóa niêm mạc và pôlíp nên kết hợp điều trị phẫu thuật, nhưng nên nhớ rằng đây chỉ là một biện pháp điều trị phối hợp với điều trị nội khoa, nếu chỉ mổ đơn thuần, chắc chắn bệnh sẽ tái phát.

Theo SK&ĐS

Viêm mũi xoang và thuốc trị


Viêm xoang là một bệnh rất phổ biến, đa số trường hợp do nhiễm trùng, nhiễm virut, nhiễm nấm. Viêm xoang được phân loại theo tính chất cấp tính và mạn tính. Viêm xoang cấp tính thường được điều trị nội khoa, còn mạn tính thì phải xét đến vấn đề điều trị ngoại khoa.
Viêm mũi xoang do rất nhiều nguyên nhân, có thể do dị ứng, do các virut, vi khuẩn, hoặc do các bệnh mũi xoang mạn tính khác. Tùy theo nguyên nhân mà bệnh có các biểu hiện khác nhau.
Viêm mũi xoang do dị ứng: Có thể gặp dị ứng theo mùa hoặc dị ứng quanh năm, nhất là ở các thời kỳ chuyển tiếp giữa các mùa.
Viêm mũi xoang vận mạch: Bệnh xuất hiện với triệu chứng sổ, nghẹt mũi khi có thay đổi về nhiệt độ hoặc độ ẩm trong không khí, khi bệnh nhân hít phải khói bụi, các hóa chất bay hơi hoặc khi có stress tâm lý.
Viêm mũi xoang nhiễm khuẩn: Bệnh xảy ra do cảm lạnh, nhiễm siêu vi kèm biến chứng nhiễm khuẩn mũi xoang kéo dài hơn 6 tuần.

Viêm mũi mạn tính do thuốc xịt mũi: Đây là trường hợp viêm mũi do lạm dụng thuốc nhỏ mũi lâu ngày hoặc nghiện hít bột ma túy. Triệu chứng biểu hiện là nghẹt mũi liên tục ở bất kỳ tư thế nào và dịch tiết chảy từ mũi xuống họng. Để tránh hậu quả này, không nên dùng thuốc bơm xịt mũi trong thời gian quá lâu, vì sẽ có hiện tượng phản hồi sau khi ngưng thuốc, các cuống mũi giãn nở ra khiến tình trạng nghẹt mũi nặng thêm. Điểm quan trọng nhất trong điều trị viêm mũi mạn do thuốc là bệnh nhân cần hợp tác với thầy thuốc để loại bỏ dần thuốc xịt thông mũi.
Viêm mũi do nội tiết: Hay gặp ở thai phụ và trong bệnh suy tuyến giáp, biểu hiện như viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi xoang còn có thể do một nguyên nhân đặc hiệu: Viêm mũi xoang do vi nấm. Hiện nay, với các tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh, những phát triển về kỹ thuật vi sinh và huyết thanh chẩn đoán, thầy thuốc đã có thể phát hiện và định danh các chủng vi nấm gây bệnh một cách chính xác.
Ngoài ra, viêm mũi xoang do vẹo vách ngăn, do polyp mũi hoặc VA (sùi vòm họng) phì đại thường biểu hiện bằng nghẹt mũi một bên mạn tính. Nên khám chuyên khoa tai mũi họng để xác định nguyên nhân.
Điều trị
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh nếu là viêm mũi xoang do vi khuẩn. Với những trường hợp viêm mũi xoang do cảm cúm nên dùng thuốc cảm thông thường như paracetamol, thuốc chống dị ứng; phun khí dung hoặc thủ thuật Proezt (xúc rửa xoang) để đưa dung dịch thuốc vào xoang sàng.
Khi điều trị nội khoa bằng thuốc không đỡ, bác sĩ sẽ chọc xoang hàm để rút mủ hoặc phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn, nạo xoang... Trường hợp viêm mũi xoang do răng, cần phải nhổ răng gây bệnh.
Hiện tại, phẫu thuật nội soi điều trị viêm mũi xoang chính xác và an toàn hơn mổ hở. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, đối với những bệnh nhân viêm mũi xoang do dị ứng (nhiệt độ, thời tiết, bụi nhà, phấn hoa, lông thú...) nếu vẫn tiếp tục tiếp xúc với các dị ứng nguyên nói trên, nguy cơ tái phát sẽ rất cao.
Do đó, sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc kháng dị ứng và cần tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh. Bụi nhà là nguyên nhân chính gây viêm mũi xoang dị ứng. Với những loại viêm mũi xoang khác, khả năng tái phát ít hơn.
Cần lưu ý là trẻ em cũng bị viêm mũi xoang. Nguyên nhân thường do trẻ bị viêm VA không được điều trị kịp thời hoặc để bệnh tái phát nhiều lần.
Một số thuốc thường dùng trong bệnh viêm mũi xoang
Thuốc kháng histamin như chlorpheniramin, promethazin, acrivastin, levocetirizine, loratadin... Các loại thuốc này rất hiệu quả đối với ngứa và sổ mũi do dị ứng nhưng không có tác dụng chữa nghẹt mũi. Do vậy cần phối hợp với các thuốc điều trị nghẹt mũi.
Thuốc thông mũi, điều trị nghẹt mũi: Các dược chất thường dùng là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Thuốc khá hiệu quả trong việc làm thông mũi nhưng cũng có tác dụng phụ. Loại thuốc này dùng dưới dạng uống hay xịt, chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày do hiện tượng lờn thuốc tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn (vicious circle) dẫn tới viêm mũi mạn tính.
Thuốc corticoid uống hoặc xịt: Thuốc xịt mũi có corticoid là hiệu quả nhất trong việc điều trị tất cả các thể viêm mũi xoang mạn tính. Thuốc làm giảm tất cả các triệu chứng như ngứa niêm mạc mũi xoang, do đó làm thông mũi và giải quyết ứ tắc xoang. Thuốc này tương đối an toàn khi sử dụng lâu dài do ít bị hấp thu vào máu.
Corticosteroid uống hiệu quả nhưng ít được sử dụng vì có nhiều tác dụng phụ độc hại như gây loãng xương, suy thượng thận (Cushing do thuốc), viêm loét dạ dày tá tràng... chỉ nên dùng trong trường hợp viêm mũi xoang nặng với thời gian ngắn khoảng từ 3-7 ngày.
Thuốc súc rửa mũi: Dùng dung dịch nước muối loãng hoặc NaCl 0,9% để rửa mũi bằng cách cho dung dịch nước muối 0,9% vào lọ nhựa sạch, rồi nhỏ vài giọt vào hốc mũi, sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi, thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối.
Thủ thuật Proetz (xúc rửa xoang): Đây là cách rửa xoang, lấy mủ từ xoang ra bằng áp lực âm không gây đau hoặc chảy máu, không cần dụng cụ y khoa như kìm, kéo..., phù hợp với những trường hợp viêm mũi xoang nhẹ.
Các thuốc kháng sinh: Việc dùng thuốc đúng, đủ và đều đặn có thể diệt được vi khuẩn. Ngược lại, nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, vi khuẩn sẽ lờn thuốc, gây bùng phát bệnh trở lại.
Phẫu thuật: Đây là chọn lựa sau cùng khi các phương pháp trên đều thất bại. Hiệu quả phẫu thuật xoang ít khi trọn vẹn, khả năng phục hồi trên 80% được xem là khá tốt. Thời gian phẫu thuật khoảng 15-30 phút. Với những ca phức tạp, phải can thiệp nhiều xoang như xoang hàm, sàng, trán, bướm, thời gian phẫu thuât kéo dài khoảng 2 giờ.
Theo SK&ĐS

Những điều cần lưu ý ở người mắc bệnh tim


Hội Tim mạch Mỹ cho rằng, ít vận động là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tim. Hoạt động thích hợp có rất nhiều cách, ví dụ như tham gia làm vườn, làm việc nhà, đi bộ, đạp xe chậm... là những hoạt động không quá mạnh, làm thường xuyên sẽ góp phần phòng bệnh tim rất tốt.
Không nên ngồi lâu không hoạt động
Một ngày đi bộ hoặc hoạt động nhẹ nhàng khoảng 60 phút, hoặc ít nhất cách ngày một lần cũng sẽ rất có ích trong phòng chống bệnh tim mạch. Lời khuyên mọi người "vận động là sự sống".

Người bị bệnh tim không nên ngủ quá nhiều
Các chuyên gia y học Mỹ đã điều trị 80 vạn người trong độ tuổi từ 40 - 80, kết quả cho thấy, những người bị bệnh tim mà ngủ 10 giờ một ngày thì tỷ lệ tử vong gấp 2 lần người chỉ ngủ 7 giờ/ngày, tỷ lệ này ở người trúng phong là 35 lần, điều này cho thấy, ngủ nhiều quá không tốt. Đó là vì khi ngủ, tuần hoàn máu chậm, dễ gây thành các cục máu đông; ngoài ra, nếu ngủ quá dài, cũng là dấu hiệu chứng xơ vữa động mạch. Do vậy, người có tuổi không nên ngủ nhiều, đề phòng bất trắc.
Ban ngày ngủ khó dậy cần đề phòng bệnh tim
Các nghiên cứu cho thấy, người ngủ khó tỉnh không phải là việc tốt, nhất là ban ngày ngủ khó dậy thì tỷ lệ mắc bệnh tim càng cao hơn. Đặc biệt là đối với những người già, nhất là phụ nữ mà ban ngày ngủ mê mệt, khó dậy thì tỷ lệ mắc bệnh tim thường cao hơn so với những người trẻ. Một công trình nghiên cứu của Mỹ cho thấy, những phụ nữ cao tuổi ngủ ngày mà khó dậy thì tỷ lệ tử vong do bị bệnh tật cao hơn tới 82%, khả năng mắc bệnh tim cao hơn người khác tới 62%. Còn ở đàn ông thì tỷ lệ này chỉ là 35%.
Ban ngày sự trao đổi chất ở đại não phải dựa vào hoạt động mạnh mẽ của tim mới hoàn thành được, mà tim muốn hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này lại phải dựa vào tuần hoàn máu ở hai hệ. Trong đó tuần hoàn phổi làm cho máu ở tĩnh mạch chứa ôxy thấp khi qua phổi được bổ sung đầy đủ ôxy rồi thông qua tim đập để chảy ra động mạch. Còn vòng tuần hoàn lớn ở cơ thể lại làm cho máu từ động mạch chảy tới các phủ tạng và tổ chức cơ thể để đảm bảo cho sự trao đổi chất ở đó. Khi tim bị mắc bệnh, hai vòng tuần hoàn nói trên đều bị ảnh hưởng, trong đó não là bộ phận mẫn cảm nhất, nếu cung cấp năng lượng và ôxy cho nó không đủ sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng của não, làm cho người bệnh luôn muốn ngủ, tinh thần mệt mỏi.
Không nên hút thuốc
Hút thuốc là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim không triệu chứng. Các nhà khoa học Mỹ khảo sát hai nhóm người hút thuốc và không hút thuốc cho thấy, nicotin trong thuốc lá làm giảm ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, làm cho năng lực cảm nhận đau đớn giảm đi, chính điều này đã che lấp triệu chứng của bệnh động mạch vành ở người bệnh. Vì vậy người bệnh chủ quan không đi khám và khi được phát hiện thì bệnh đã nặng. Lời khuyên là,  người hút thuốc cần khám sức khỏe định kỳ và làm điện tâm đồ, nếu có thiếu máu cơ tim cần điều trị ngay.
Không nên chủ quan khi trời mưa lạnh
Bị mưa đột ngột dễ dẫn tới bệnh động mạch vành. Theo các chuyên gia, khi trời mưa khí hậu thay đổi rất lớn, khí áp hạ đột ngột, lúc đó tim sẽ đập nhanh hơn, cơ tim dễ bị thiếu ôxy. Nếu đột ngột bị mưa, nhiệt độ trong và ngoài cơ thể sẽ chênh lệch nhau, tim không chịu nổi những ảnh hưởng đó của môi trường, dễ gây ra bệnh động mạch vành, nhất là ở người già.
Không dùng quần áo bằng sợi hóa học
Người bị bệnh tim mạch cần chú ý đến hiện tượng tĩnh điện. Với người bình thường, tĩnh điện hoàn toàn không gây hại, nhưng người bệnh tim cần cẩn thận. Các nghiên cứu cho thấy, một số người bị bệnh nhịp tim thất thường đa số do mặc đồ lót bằng sợi hoá học làm da bị tĩnh điện gây ra chênh lệch điện áp, ảnh hưởng tới sự truyền dẫn của điện tim, đẫn tới nhịp tim thất thường. Do đó, người có bệnh tim mạch, cần phải mặc đồ lót bằng sợi bông để tránh hiện tượng trên. Ngoài ra cần tăng cường độ ẩm tương đối trong phòng ở cũng là cách để hạn chế tĩnh điện làm tổn thương cơ thể.
Tránh căng thẳng trong công việc
Phần lớn bệnh tim là do áp lực về tâm lý (stress). Chẳng hạn công việc quá nhiều, quá lu bù, làm việc quá sức hoặc xúc cảm quá, nhất là loại không vui vẻ (cảm xúc âm tính). Các nghiên cứu cho thấy, khi rơi vào trạng thái quá căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi, hệ thống thần kinh thực vật xuất hiện những phản ứng mang tính điều tiết như tim đập nhanh hơn, vã mồ hôi, người run lên, tâm thần bất ổn, mất ngủ... Những phản ứng này sau đó sẽ tự mất đi. Nhưng một số người tính cách hướng nội, mẫn cảm, đa nghi, không đủ tự tin, do dự, quá chú ý tới bản thân, sinh ra căng thẳng và lo sợ trước những phản ứng của cơ thể, sẽ làm cho những triệu chứng này tăng nặng thêm. Các stress đều dễ trực tiếp tạo nên các biến chứng nặng nề của bệnh xơ vữa động mạch (như cơn đau tim) dạng nhồi máu cơ tim hoặc dạng cơn đau thắt ngực.
Suy tim cấp tính - Chớ coi nhẹ
Suy tim cấp tính là chỉ những người chức năng tim không toàn vẹn nhưng triệu chứng lại không điển hình, nên rất dễ bị coi nhẹ. Nếu khi ngủ đêm phải kê cao gối mới thấy thoải mái, khi nằm ngửa bị ho, thở dốc; khi ngủ hay bị ngạt phải tỉnh dậy ngồi một lúc mới khỏi... thì có thể là biểu hiện của suy tim. Người khi nằm mà bị ho, chú ý nếu bị suy tim thì ho thường kèm theo sợi máu hoặc viêm tuyến nước bọt, ngồi dậy thấy đỡ, dùng thuốc kháng sinh điều trị không kết quả, mẫn cảm với thuốc trợ tim đều thuộc dạng này. Nhịp tim thất thường cũng là một đặc trưng của người suy tim, mạch tăng (trên 80 lần/phút), hễ lao động thể lực là tăng trên 100 lần/phút, cũng có lúc thấy mạch ngừng. Hiện tượng này chứng tỏ nhịp tim thất thường (loạn nhịp) một khi phát hiện ra cần đi kiểm tra ngay để đề phòng bị suy tim. 
Theo SK&ĐS