Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Dùng thuốc nên biết: Viêm mũi xoang và thuốc điều trị


Bệnh viêm mũi xoang tiến triển theo từng mức độ khác nhau, có thể ở giai đoạn sớm bệnh biểu hiện chủ yếu là viêm mũi cấp từng đợt, theo chu kỳ của thời tiết như: hắt hơi liên tục (mỗi khi sáng dậy khi gặp thời tiết thay đổi như nhiễm lạnh, hoặc gặp mùi của hóa chất, sau khi uống bia rượu...), kết hợp chảy nước mũi trong, số lượng nhiều, sau đó là ngạt mũi từng bên hoặc cả hai bên mũi.
Nếu viêm mũi ở giai đoạn sớm để kéo dài không điều trị sớm và dứt điểm bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn viêm mũi mạn tính kết hợp với tổn thương xoang. Lúc này, mũi ngạt tắc thường xuyên, kết hợp khạc đờm đặc kéo dài cùng với các triệu trứng đau vùng xoang mặt hai bên cánh mũi, nếu nặng hơn sẽ có đau vùng hốc mắt và giảm thị lực. Giai đoạn này cần khẩn trương đến khám chuyên khoa tai - mũi - họng, kết hợp chụp phim X.quang tư thế Blondeau và Hietz, nếu có điều kiện người bệnh cần được nội soi mũi xoang để chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương mũi xoang. 
Như vậy bệnh viêm mũi xoang thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng (chiếm tỷ lệ đáng kể) và những người sống trong điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Do vậy quan niệm điều trị hiện nay trước tiên là phải giải quyết tốt việc chống dị ứng, chống nhiễm khuẩn, giảm phù nề, chống tăng tiết dịch ở hệ thống tế bào tiết nhầy (cân bằng việc tăng tiết nhầy của tế bào đài ở lớp niêm mạc). Nguyên tắc điều trị là không nên lạm dụng sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi, cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đơn của các thầy thuốc chuyên khoa. 

Việc sử dụng các thuốc chống dị ứng, chủ yếu là thuốc kháng histamin. Ðối với những thuốc thế hệ cũ có nhược điểm gây buồn ngủ (chlopheniramin, pipolphen, phenergan), các thuốc kháng histamin thế hệ mới thường ít gây buồn ngủ (loratadin, telfats, clarityne, zaditen...) nhưng giá thành đắt hơn. 
Ðối với thuốc chống phù nề, chủ yếu sử dụng các thuốc có nguồn gốc alphachymotrysin, hiện nay có rất nhiều biệt dược như alpha choay, danzen... nhưng tác dụng hầu như giống nhau, cần lưu ý sử dụng liều lượng cho phù hợp. 
Chỉ nên sử dụng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn. ở giai đoạn viêm nhiễm có sốt, đau kèm theo khạc đờm đặc thì nên sử dụng kháng sinh, tốt nhất nên chọn loại kháng sinh phân bố và hấp thụ theo tuyến nước bọt, đồng thời lựa chọn kháng sinh phù hợp với sự đáp ứng của chủng vi khuẩn gây bệnh. Ðối với nhóm kháng sinh beta-lactam, hiện nay thường sử dụng augmentin (amoxilin + acid clavulanic). 
Nhóm cephalosporin - là nhóm kháng sinh được sử dụng khá phổ biến, với ba thế hệ, thế hệ thứ một tiêu biểu là cephalotin tác dụng chủ yếu trên tụ cầu. Thế hệ thứ hai có tác dụng tốt hơn thế hệ thứ nhất, vừa tác dụng trên vi khuẩn gram (+), vừa tác dụng vi khuẩn đường ruột gram (-), thuốc thông dụng khá phổ biến hiện nay là nhóm cefuroxim (zinnat) có tác dụng đối với tụ cầu, liên cầu, phế cầu, màng não cầu, lậu cầu, nên uống sau bữa ăn để thuốc hấp thu cao. Thế hệ thứ ba điển hình là cefotaxim có tác dụng trên liên cầu, phế cầu, tụ cầu, và để điều trị viêm màng não do vi khuẩn có tác dụng rất tốt vì thuốc vượt qua hàng rào máu não, thời gian bán hủy thuốc kéo dài hơn so với thế hệ 1-2. Nhóm macrolid (erytromyxin, rovamyxin, clarytromyxin...) có tác dụng đối với liên cầu nhóm A, Streptococus, màng não cầu, phế cầu, những thuốc này nên uống trước bữa ăn. Nhóm aminosid thông dụng nhất là streptomycin, gentamycin có tác dụng tốt với trực khuẩn gram (-) đường ruột, tụ cầu. Hiện nay nhóm thuốc này rất ít được sử dụng vì tác dụng phụ thường gây độc cho tai trong (các thống kê cho thấy 2% gây tổn thương tiền đình, 66% tổn thương chức năng nghe, 16% tổn thương kết hợp cả hai là tiền đình và chức năng nghe). 
Theo SK&ĐS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét