Amidan là mô lympho ở hai bên thành họng sau khoang miệng, cấu trúc tương tự như hạch lympho có các nang lympho với các mầm lympho sản sinh tế bào lympho và tương bào. Amidan có lớp vỏ bọc là biểu mô lát tầng, lớp biểu mô tạo thành 15-20 khe lỗ luồn sâu vào amidan tạo thành các hốc trên bề mặt amidan.
Vùng họng có 2 amidan vòi nằm xung quanh lỗ vòi nhĩ, amidan vòm họng, amidan gốc lưỡi và hai amidan khẩu cái thường có kích thước lớn hơn cả, tạo thành vòng Waldeyer.
Hệ thống amidan có vai trò bảo vệ chống nhiễm khuẩn đã được nhiều công trình nghiên cứu công bố như: tạo lympho bào, tăng phản ứng với vi khuẩn, tổng hợp kháng thể IgAs và còn có chức năng thực bào. Tuy vậy, theo một số công trình nghiên cứu khi toàn bộ hệ thống lympho phát triển hoàn thiện, nếu cắt bỏ một phần nào đó, người ta không thấy ảnh hưởng nhiều tới vai trò miễn dịch của cơ thể.
Do vị trí cấu tạo của amidan nằm ở cửa ngõ đường thở nên vấn đề viêm nhiễm rất dễ xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu thường do tác động của môi trường ô nhiễm như bụi, khói than, hóa chất, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng tới sức căng bề mặt màng tế bào biểu mô, nhất là ở những người cơ địa dị ứng sức bền màng tế bào thường kém, nên vi khuẩn, virut dễ xâm nhập amidan. Chúng ta có thể phân loại khái quát mức độ và nguyên nhân viêm amidan như sau:
l Viêm amidan cấp không đặc hiệu:
Lâm sàng biểu hiện trước tiên là đau họng kèm theo sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi kèm theo chảy nước mắt. Tại chỗ 2 amidan viêm sưng to quá phát, kèm theo viêm đỏ lan tỏa vùng họng. Xét nghiệm cận lâm sàng công thức máu số lượng bạch cầu thường không tăng, bạch cầu trung tính không chuyển trái (tỷ lệ thường < 50%). Những trường hợp này thường viêm amidan 90% là do virut cúm A, B, C hoặc á cúm (adenovirut, rhinovirut, ecpet v.v...).
Ðối với những trường hợp này, hạn chế sử dụng kháng sinh, nên dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: chống phù nề, giảm đau kèm theo kháng histamin và vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như angispray, eludril, locabiotal, givalex v.v... hoặc nước muối pha loãng.
l Viêm amidan cấp tính đặc hiệu do vi khuẩn:
Các triệu chứng trên lâm sàng thường biểu hiện sốt cao đột ngột, đau họng tăng, thường đau lan tỏa vùng tai kèm theo hạch lân cận sưng to, người mệt mỏi, khám tại chỗ amidan viêm to kèm theo các hốc mủ, miệng hôi, xuất hiện màng giả tại amidan.
Các xét nghiệm máu: công thức bạch cầu, số lượng bạch cầu tăng cao, bạch cầu trung tính tăng (> 70-85%), thường gặp 50% ASLO (+) (viêm amidan do liên cầu khuẩn).
Ngoài ra còn gặp viêm amidan do xoắn khuẩn (thường gặp viêm amidan màng giả kèm theo loét hoại tử. Xét nghiệm đặc hiệu quyệt tại chỗ amidan soi tươi tìm xoắn khuẩn).
Săng giang mai amidan; lâm sàng biểu hiện vết trợt nông tròn hoặc bầu dục, không có mủ.
Những trường hợp xét nghiệm xác định được vi khuẩn gây bệnh, cần lựa chọn kháng sinh đặc hiệu để điều trị.
Chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amidan hiện nay khá chặt chẽ bởi liệu pháp kháng sinh đặc hiệu rất hiệu quả trong điều trị amidan. Chỉ cắt bỏ khi nào amidan viêm mãn tính kéo dài, tái phát thường xuyên hàng tháng, ảnh hưởng tới đời sống, học tập, công tác; có tiền sử viêm tấy quanh amidan, xuất hiện hội chứng ngạt thở khi ngủ. Với viêm cầu thận cấp do viêm amidan, sau khi điều trị viêm cầu thận cấp ổn định nên chỉ định cắt bỏ amidan.
Ðể phòng ngừa viêm amidan, nên vệ sinh đường mũi - họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn angisp-ray, eludril, locabiotal, givalex hoặc nước muối pha loãng (NaCl 0,9%)... sau khi ăn buổi tối và buổi sáng. Tránh dùng nước đá quá lạnh, quá nhiều và ra vào phòng lạnh đột ngột nhất là khi điều kiện nhiệt độ ngoài môi trường cao trong những ngày hè nóng bức. Ðồng thời nên dùng khẩu trang tránh bụi khi làm việc những nơi có mức độ ô nhiễm cao.
Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Nghĩa
Nguồn: Báo sức khoẻ và đời sống số 82 -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét