Ngay từ khi mang thai, mẹ đã luôn dành cho con những gì tốt đẹp nhất với mong muốn bé luôn khỏe mạnh và thông minh từ trong bụng mẹ. Không những vậy, mẹ tiếp xúc với bé hàng ngày với bao tình yêu thương và gần gũi, vì vậy tình cảm đó của mẹ lại càng thiêng liêng hơn.
Tuy nhiên, có rất nhiều điều mẹ phải lưu ý trong quá trình chăm sóc bản thân cũng như thai nhi, yếu tố này có sự tác động rất quan trọng tới sức khỏe mẹ và bé đấy
Dinh dưỡng với sức khỏe bà bầu
Một chế độ dinh dưỡng đa dạng, cân bằng và hơi nhiều hơn thường lệ là điều cần thiết để có sức khỏe lành mạnh cho cả mẹ lẫn thai nhi.
Bình thường, phụ nữ cần 2200 Calories mỗi ngày nhưng khi có thai thì bà bầu cần thêm 300 Calories mỗi ngày, theo tỷ lệ từ 40-50% chất carbohydrates; 20% chất đạm và 30% chất béo. Các chất dinh dưỡng ăn thêm này là để đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng của thai nhi cũng như các thay đổi ở cơ thể mẹ. Dưới đây là bảng dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe bà bầu:
Năng lượng và dưỡng chất | Phụ nữ trưởng thành | Phụ nữ mang thai | Phụ nữ cho con bú |
Năng lượng (kcal) | 2.200 – 2.600 | Thêm 400 – 500 | Thêm 500 – 700 |
Protein (g) | 70 – 90 | Thêm 10 – 18 | Thêm 20 – 25 |
Vitamin A (mg) | 500 | 800 | 850 |
Vitamin D (mg) | 5 | 5 | 5 |
Vitamin E (TE, mg) | 12 | 12 | 18 |
Vitamin C (mg) | 70 | 80 | 95 |
Thiamin (mg) | 1,1 | 1,4 | 1,5 |
Riboflavin (mg) | 1,1 | 1,4 | 1,6 |
Niacin (NE, mg) | 14 | 18 | 17 |
Vitamin B6 (mg) | 1,3 | 1,9 | 2 |
Folate (mg) | 400 | 600 | 500 |
Vitamin B12 (mg) | 2,4 | 2,6 | 2,8 |
Canxi (mg) | 700 | 1000 | 1000 |
Phospho (mg) | 700 | 700 | 700 |
Sắt (mg) (*) | 30 – 60 | Thêm 15 – 30 | Thêm 15 – 30 |
Kẽm (mg) | 3 – 10 | 5 – 20 | 5 – 20 |
Iốt (mg) | 150 | 200 | 200 |
Selenium (mg) | 26 | 26 – 30 | 35 – 40 |
(*) Sự tăng nhu cầu sắt cho thai kỳ không thể đạt được bằng chế độ ăn hoặc từ dự trữ của cơ thể nên phải bổ sung 30 – 60mg sắt mỗi ngày. |
- Cần kiêng những thứ quá béo, quá ngọt hoặc các đồ sống, lạnh, cay, chua vì những thức ăn này dễ làm hại đến tỳ vị, ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Tránh các thực phẩm có cafein, rượu, nicotin và các loại ma tuý. “Đối với phụ nữ mang thai, điều đáng kiêng kỵ nhất là ăn uống quá no nê. Phải ăn nhạt, tránh những thứ quá nóng hoặc quá lạnh, giữ cho khí huyết thanh khiết, dịu êm. Như vậy, thai sẽ yên ổn, con sinh ra sẽ khoẻ mạnh”.
Những lưu ý với sức khỏe bà bầu
Khám kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Hãy khám sức khỏe định kỳ và hỏi ý kiến bác sĩ cẩn thận trước khi dùng bất cứ loại thuốc gì kể cả các loại vitamin và cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc trong quá trình mang bầu.
- Thực hiện các xét nghiệm để giúp phát hiện những nguy cơ đối với sức khỏe của mẹ (đặc biệt nên xét nghiệm trước khi dự định mang bầu). Khi có yêu cầu về tiêm phòng cần phải tham khảo chặt chẽ ý kiến của bác sĩ.
- Tham gia chương trình sàng lọc trước khi sinh để giúp tầm soát dị tật thai nhi.
- Kiểm soát cân nặng chặt chẽ: Trong 3 tháng đầu thời kỳ mang thai, không nên tăng cân quá từ 1-1,4 kg. Từ tháng thứ 4, mỗi tuần có thể tăng 0,350 kg. Tổng số cân tăng từ 10 kg tới 12,2 kg là vừa
Tập thể dục hàng ngày
Dù đã mang thai, việc luyện tập thân thể vẫn có ích và giúp cho người phụ nữ khỏi các chứng nhức, mỏi người và nhiều chứng khác nữa. Những môn tập như yoga, bơi, đi bộ hoặc vận động chậm đều tốt. Nếu bạn chưa từng luyện tập bao giờ thì nên hỏi qua bác sĩ chăm sóc mình nên tập thế nào cho vừa sức và hợp với người có thai như:
- Chỉ nên tập sau bữa ăn 2 giờ.
- Trước khi tập, uống 1-2 ly nước.
- Không tập những bài tập có động tác nhảy, vận mình hoặc cử động nhanh.
- Tập sao để giữ nhịp tim dưới 140 đập/phút.
- Không bị kích động vì luyện tập.
- Sau tháng thứ 4, tránh các bài tập có động tác nằm ngửa.
- Sau khi tập quá 2 giờ mà vẫn thấy mình mỏi mệt, nên tới thăm bác sĩ.
Thực hành các bài tập thư giãn cơ thể và thần kinh để tránh stress. (Nhiều bác sĩ nghĩ rằng hiện tượng stress do cảm xúc làm máu không tới đều và không cung cấp đủ cho dạ con và thai nhi. Bởi vậy, cái thai bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng).
Giữ cho tâm trí thoải mái
Y học cổ truyển cho rằng thai nhi sống bằng khí của người mẹ; hai mẹ con hô hấp tương thông, vui buồn tương ứng. Nếu người mẹ có tâm trạng không tốt, khí không thuận hoà, thai nhi sẽ bị bệnh tật. “Phải tránh nóng nảy, tức giận. Sau khi thụ thai, nhất thiết không nên có hành vi mắng chửi, đánh đập; vì khí mà điều hoà thì thai bình an, khí rối ren thì thai bệnh tật”.
Phụ nữ mang thai phải chủ động tự điều hoà tâm trạng, giữ cho mình luôn thanh thản, lạc quan, không quá buồn rầu chán nản, cũng không quá phấn chấn hay sợ hãi. Gia đình phải tạo cho họ môi trường sống thuận lợi, êm ấm và vui tươi.
Và những lưu ý khác
- Nếu nhà nuôi mèo, phải chú ý không để mèo ỉa bừa bãi. Phân mèo có thể gây một loại bệnh có tên là toxoppalsmosis. Người mang thai nhiễm bệnh này có thể sinh con thiếu tháng và đứa trẻ dễ bị tổn thương ở não, mắt và các bộ phận khác.
- Nên tránh những nguồn bệnh nguy hiểm cho thai nhi, đặc biệt là những bệnh dễ bị lây nhiễm tại những nơi đông người (công sở, chợ, siêu thị…) nhất là những thời điểm có dịch.
- Sự giúp đỡ của ông xã là rất cần thiết, nhất là việc nhà và những việc đòi hỏi sức lực.
- Hãy xin nghỉ làm nếu nhận thấy có những bất ổn đối với cơ thể và thai nhi.
- Nên đăng ký theo học lớp chỉ dẫn về vấn đề sinh đẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét