Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Viêm amidal và cách xử lý


Viêm amidal có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, lây lan từ người này sang người khác bởi những phần tử trong không khí hoặc những cái bắt tay, ôm hôn... Đặc điểm của bệnh này là đau ở trong họng và khó nuốt. Viêm amidal thông thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị và thường thì không có biến chứng. Tuy nhiên, không ít trường hợp, viêm amidal gây biến chứng và khó chịu cho người bệnh nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng.

Amidal bị viêm như thế nào?

Rất nhiều loại vi khuẩn, virut khác nhau tiểm ẩn có thể gây ra viêm amidal, ví dụ như Epstein - Barr virus là một nguyên nhân thường gặp. Nó thường gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt trong những trường hợp như ở lớp học, giảng đường đại học, virut dễ dàng lây từ người này sang người khác do sự tập trung đông người. Trong số các loại vi khuẩn hay gây ra viêm họng thì hay gặp nhất là liên cầu nhóm A, người ta thường gọi là viêm họng liên cầu. Trong giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn từ khi nhiễm khuẩn đến khi bệnh toàn phát (thường từ 2 - 4 ngày, có thể ít hơn).
Các triệu chứng của viêm amidal là gì?
- Đau trong họng (có khi rất đau, có thể kéo dài hơn 48 giờ) và có thể kết hợp với khó nuốt. Đau có thể lan lên tai; họng đỏ, amidal sưng và có thể được phủ bởi những chấm trắng; có thể sốt cao; có thể sưng hạch dưới hàm và hạch cổ, đau đầu; có thể mất tiếng hoặc thay đổi giọng nói.
- Nếu đau họng là do nhiễm virut thì triệu chứng thường nhẹ và liên quan đến cảm cúm thông thường.
- Nếu viêm họng do virus Coxsackie thì có những mụn phỏng mọc ở amidal và vùng vòm khẩu cái. Những mụn phỏng này sẽ vỡ trong vài ngày thành những vết loét, những vết loét này sẽ rất đau.
- Nếu viêm họng do nguyên nhân nhiễm liên cầu, amidal thường sưng và bị bao phủ bởi những chấm trắng và họng đau. Bệnh nhân có sốt cao, hơi thở hôi và cảm thấy người rất mệt.
Những bệnh cảnh khác nhau này nhiều khi rất thay đổi và chúng ta cũng không thể nhìn vào họng ai đó mà nói rằng: đây là viêm do virut (điều trị bằng kháng sinh sẽ không hiệu quả) hoặc do vi khuẩn (có thể điều trị được bằng kháng sinh).
Lời khuyên tốt
- Nếu có dấu hiệu của viêm họng kéo dài quá vài ngày hoặc đau rất nặng gây khó nuốt, sốt cao và nôn, nên đi khám bác sĩ.
- Uống nước ấm, ăn thức ăn lỏng, dùng các loại thuốc súc miệng (như nước muối pha loãng, dung dịch súc miệng sát khuẩn có bán sẵn).
- Đau họng nhiều có thể làm cho bệnh nhân không muốn nuốt, đây là lý do thường gặp làm cho bệnh nhân bị mất nước do sốt và do thở bằng miệng. Bù nước và điện giải sẽ làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn. Điều quan trọng là người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ và phải giữ ấm cơ thể.
Chẩn đoán xác định viêm amidal
Bác sĩ thường chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và các dấu hiệu của bệnh, đôi khi phải cấy dịch tiết cổ họng và thử máu để xác định nguyên nhân.
Biến chứng của amidal là gì?
Thường là viêm họng cũng như viêm amidal thì không gây biến chứng gì, chỉ gây biến chứng khi kéo dài quá 1 tuần. Dưới đây là những biến chứng: Viêm nhiễm thứ phát như: viêm tai giữa, viêm xoang. Nếu viêm họng do liên cầu thì có thể gây sốt phát ban (bệnh ban đỏ). Một biến chứng hiếm gặp là áp-xe họng, thường xảy ra ở một bên. Nếu lớn cần phải chích rạch tháo áp-xe. Trong một số hiếm trường hợp có thể gặp biến chứng như: thấp khớp, viêm thận (hiện nay hiếm gặp hơn so với nhiều thập niên trước đây).
Điều trị như thế nào?
Trong hầu hết trường hợp, viêm nhiễm thường gây ra do virut chỉ cần điều trị triệu chứng bằng paracetamol (ví dụ: calpol, panadol) để hạ sốt.
Trong một số ít bệnh nhân viêm amidal gây ra do vi khuẩn thì điều trị bằng penicillin hoặc erythromycin (nếu bệnh nhân bị dị ứng penicillin). Trường hợp dùng kháng sinh trong 2 - 3 ngày đã hết sốt thì người bệnh vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc cho đủ phác đồ điều trị, tránh tình trạng bị kháng thuốc cho những lần viêm nhiễm tiếp theo.
Phẫu thuật cắt amidal có thể cần thiết cho những bệnh nhân viêm đi viêm lại nhiều lần hoặc những bệnh nhân viêm amidal nặng không đáp ứng với phác đồ điều trị hoặc ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập và công tác. Nhưng ngày nay, trên thế giới, người ta cắt amidal ít hơn nhiều so với trước đây.
Theo SK&ĐS

Viêm amidan và chỉ định cắt bỏ amidan


Amidan là mô lympho ở hai bên thành họng sau khoang miệng, cấu trúc tương tự như hạch lympho có các nang lympho với các mầm lympho sản sinh tế bào lympho và tương bào. Amidan có lớp vỏ bọc là biểu mô lát tầng, lớp biểu mô tạo thành 15-20 khe lỗ luồn sâu vào amidan tạo thành các hốc trên bề mặt amidan.
Vùng họng có 2 amidan vòi nằm xung quanh lỗ vòi nhĩ, amidan vòm họng, amidan gốc lưỡi và hai amidan khẩu cái thường có kích thước lớn hơn cả, tạo thành vòng Waldeyer.
Hệ thống amidan có vai trò bảo vệ chống nhiễm khuẩn đã được nhiều công trình nghiên cứu công bố như: tạo lympho bào, tăng phản ứng với vi khuẩn, tổng hợp kháng thể IgAs và còn có chức năng thực bào. Tuy vậy, theo một số công trình nghiên cứu khi toàn bộ hệ thống lympho phát triển hoàn thiện, nếu cắt bỏ một phần nào đó, người ta không thấy ảnh hưởng nhiều tới vai trò miễn dịch của cơ thể. 

Do vị trí cấu tạo của amidan nằm ở cửa ngõ đường thở nên vấn đề viêm nhiễm rất dễ xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu thường do tác động của môi trường ô nhiễm như bụi, khói than, hóa chất, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng tới sức căng bề mặt màng tế bào biểu mô, nhất là ở những người cơ địa dị ứng sức bền màng tế bào thường kém, nên vi khuẩn, virut dễ xâm nhập amidan. Chúng ta có thể phân loại khái quát mức độ và nguyên nhân viêm amidan như sau: 
l Viêm amidan cấp không đặc hiệu:
Lâm sàng biểu hiện trước tiên là đau họng kèm theo sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi kèm theo chảy nước mắt. Tại chỗ 2 amidan viêm sưng to quá phát, kèm theo viêm đỏ lan tỏa vùng họng. Xét nghiệm cận lâm sàng công thức máu số lượng bạch cầu thường không tăng, bạch cầu trung tính không chuyển trái (tỷ lệ thường < 50%). Những trường hợp này thường viêm amidan 90% là do virut cúm A, B, C hoặc á cúm (adenovirut, rhinovirut, ecpet v.v...). 
Ðối với những trường hợp này, hạn chế sử dụng kháng sinh, nên dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: chống phù nề, giảm đau kèm theo kháng histamin và vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như angispray, eludril, locabiotal, givalex v.v... hoặc nước muối pha loãng. 
l Viêm amidan cấp tính đặc hiệu do vi khuẩn: 
Các triệu chứng trên lâm sàng thường biểu hiện sốt cao đột ngột, đau họng tăng, thường đau lan tỏa vùng tai kèm theo hạch lân cận sưng to, người mệt mỏi, khám tại chỗ amidan viêm to kèm theo các hốc mủ, miệng hôi, xuất hiện màng giả tại amidan. 
Các xét nghiệm máu: công thức bạch cầu, số lượng bạch cầu tăng cao, bạch cầu trung tính tăng (> 70-85%), thường gặp 50% ASLO (+) (viêm amidan do liên cầu khuẩn). 
Ngoài ra còn gặp viêm amidan do xoắn khuẩn (thường gặp viêm amidan màng giả kèm theo loét hoại tử. Xét nghiệm đặc hiệu quyệt tại chỗ amidan soi tươi tìm xoắn khuẩn). 
Săng giang mai amidan; lâm sàng biểu hiện vết trợt nông tròn hoặc bầu dục, không có mủ. 
Những trường hợp xét nghiệm xác định được vi khuẩn gây bệnh, cần lựa chọn kháng sinh đặc hiệu để điều trị. 
Chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amidan hiện nay khá chặt chẽ bởi liệu pháp kháng sinh đặc hiệu rất hiệu quả trong điều trị amidan. Chỉ cắt bỏ khi nào amidan viêm mãn tính kéo dài, tái phát thường xuyên hàng tháng, ảnh hưởng tới đời sống, học tập, công tác; có tiền sử viêm tấy quanh amidan, xuất hiện hội chứng ngạt thở khi ngủ. Với viêm cầu thận cấp do viêm amidan, sau khi điều trị viêm cầu thận cấp ổn định nên chỉ định cắt bỏ amidan. 
Ðể phòng ngừa viêm amidan, nên vệ sinh đường mũi - họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn angisp-ray, eludril, locabiotal, givalex hoặc nước muối pha loãng (NaCl 0,9%)... sau khi ăn buổi tối và buổi sáng. Tránh dùng nước đá quá lạnh, quá nhiều và ra vào phòng lạnh đột ngột nhất là khi điều kiện nhiệt độ ngoài môi trường cao trong những ngày hè nóng bức. Ðồng thời nên dùng khẩu trang tránh bụi khi làm việc những nơi có mức độ ô nhiễm cao.
Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Nghĩa 
Nguồn: Báo sức khoẻ và đời sống số 82 -

Có mấy loại viêm họng ?


Viêm họng là viêm cấp niêm mạc hầu (hầu là ngã tư giao lưu của các đường hô hấp và tiêu hóa). ít khi viêm lan tỏa toàn bộ hầu mà thường chỉ khu trú ở các amiđan (viêm amiđan).
Nguyên nhân gây viêm họng là các virut, đôi khi cũng là vi khuẩn (nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn hoặc haemophilus). Viêm họng rất hay gặp ở những người bị sổ mũi hoặc cúm; hãn hữu nó là dấu hiệu báo trước của một bệnh khác nặng hơn (tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn hoặc bạch hầu). Có ba loại viêm họng: viêm họng đỏ, viêm họng trắng và viêm họng loét.
Viêm họng đỏ

Niêm mạc hầu đỏ hơn bình thường. Có nhiều loại viêm họng đỏ: 
- Viêm họng đỏ xuất tiết: Loại này hay gặp nhất, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi. Sốt, nuốt đau, đau đầu. Khám họng thấy niêm mạc hầu đỏ hơn bình thường, các amiđan to nhiều hay ít. Có thể có biến chứng viêm tấy quanh amiđan (áp xe giữa thành hầu và amiđan) gây cứng khít hàm (co cứng các cơ nhai) và khó nuốt.
- Viêm họng trong các bệnh phát ban: Ðây là triệu chứng chủ yếu của các bệnh tinh hồng nhiệt, sởi, rubêon.
- Viêm họng liên cầu khuẩn của thấp khớp cấp: Viêm họng thường xuất hiện nhiều ngày hoặc nhiều tuần trước khi có biểu hiện thấp khớp cấp. Bệnh nhân nôn, đau đầu, amiđan viêm to. Xét nghiệm thấy liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A; loại này có thể gây những tổn thương ở khớp, tim, thận.
Ðiều trị
Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh bị lạnh. Ăn nhẹ, uống nhiều nước. Dùng các thuốc súc miệng, phun họng, kháng sinh đường toàn thân như penixilin kèm với thuốc giảm đau, chống viêm, hạ nhiệt... Nếu bệnh nhân hay tái phát, nên phẫu thuật cắt bỏ amiđan.
Viêm họng trắng
Niêm mạc hầu phủ một lớp bựa trắng. Có nhiều loại viêm họng trắng:
- Viêm họng bựa: Triệu chứng cũng giống như viêm họng đỏ nhưng trên mặt amiđan có phủ một lớp bựa trắng có thể bóc ra một cách dễ dàng.
- Viêm họng có màng giả: Tạo nên một lớp bựa dính chắc hơn (màng giả có màu xám) khiến ta phải nghi là bệnh bạch hầu. Cần xét nghiệm vi khuẩn cẩn thận; nếu hơi có chút gì nghi ngờ phải tiêm huyết thanh chống bạch hầu ngay để khỏi bỏ qua bệnh này. Loại viêm họng này thường là dấu hiệu báo trước của bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
- Viêm họng mụn nước và viêm họng hecpet (mụn rộp) do virut bệnh zona và virut hecpet. Khám thấy vùng khẩu hầu có màu đỏ rải rác có nhiều mụn nhỏ trắng còn lành hay đã vỡ, giống như những nốt loét nhỏ.
Ðiều trị
Bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi, tránh bị lạnh. Dùng các thuốc súc miệng, phun thuốc vào họng, kháng sinh đường toàn thân. Tuy nhiên kháng sinh không có tác dụng với viêm họng mụn nước trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn. Thông thường chỉ cần dùng thuốc giảm đau là đủ.
Viêm họng loét
Niêm mạc hầu có một hay nhiều nốt loét. Có nhiều loại viêm họng loét: 
- Viêm họng Vincent: Chủ yếu gặp ở vị thành niên hoặc người trẻ tuổi. Bệnh có đặc điểm là phát triển đồng thời ở niêm mạc hầu hai loại vi khuẩn là trực khuẩn hình thoi và xoắn khuẩn. Chẩn đoán dễ dàng bằng xem kính phết họng dưới kính hiển vi sau khi đã nhuộm vi khuẩn (nhuộm Gram). Thường chỉ một bên hầu bị tổn thương: viêm amiđan một bên với những nốt loét mềm mại khi sờ vào và có màng giả. Ðây cũng có thể là do không giữ tốt vệ sinh răng miệng.
- Viêm họng Duguet: Gặp ở bệnh nhân thương hàn. Ðặc điểm là: nốt loét không đau khu trú ở một hoặc hai cột màn hầu. 
- Viêm họng trong các bệnh máu: Hay gặp ở bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn hoặc bệnh bạch cầu (leucémie). 
- Viêm họng Ludwig: Sốt cao, đau nhiều ở họng, cổ bị biến dạng.
 Ðiều trị. Chủ yếu là dùng penixilin và điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Theo skds 

Dùng thuốc nên biết: Viêm mũi xoang và thuốc điều trị


Bệnh viêm mũi xoang tiến triển theo từng mức độ khác nhau, có thể ở giai đoạn sớm bệnh biểu hiện chủ yếu là viêm mũi cấp từng đợt, theo chu kỳ của thời tiết như: hắt hơi liên tục (mỗi khi sáng dậy khi gặp thời tiết thay đổi như nhiễm lạnh, hoặc gặp mùi của hóa chất, sau khi uống bia rượu...), kết hợp chảy nước mũi trong, số lượng nhiều, sau đó là ngạt mũi từng bên hoặc cả hai bên mũi.
Nếu viêm mũi ở giai đoạn sớm để kéo dài không điều trị sớm và dứt điểm bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn viêm mũi mạn tính kết hợp với tổn thương xoang. Lúc này, mũi ngạt tắc thường xuyên, kết hợp khạc đờm đặc kéo dài cùng với các triệu trứng đau vùng xoang mặt hai bên cánh mũi, nếu nặng hơn sẽ có đau vùng hốc mắt và giảm thị lực. Giai đoạn này cần khẩn trương đến khám chuyên khoa tai - mũi - họng, kết hợp chụp phim X.quang tư thế Blondeau và Hietz, nếu có điều kiện người bệnh cần được nội soi mũi xoang để chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương mũi xoang. 
Như vậy bệnh viêm mũi xoang thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng (chiếm tỷ lệ đáng kể) và những người sống trong điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Do vậy quan niệm điều trị hiện nay trước tiên là phải giải quyết tốt việc chống dị ứng, chống nhiễm khuẩn, giảm phù nề, chống tăng tiết dịch ở hệ thống tế bào tiết nhầy (cân bằng việc tăng tiết nhầy của tế bào đài ở lớp niêm mạc). Nguyên tắc điều trị là không nên lạm dụng sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi, cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đơn của các thầy thuốc chuyên khoa. 

Việc sử dụng các thuốc chống dị ứng, chủ yếu là thuốc kháng histamin. Ðối với những thuốc thế hệ cũ có nhược điểm gây buồn ngủ (chlopheniramin, pipolphen, phenergan), các thuốc kháng histamin thế hệ mới thường ít gây buồn ngủ (loratadin, telfats, clarityne, zaditen...) nhưng giá thành đắt hơn. 
Ðối với thuốc chống phù nề, chủ yếu sử dụng các thuốc có nguồn gốc alphachymotrysin, hiện nay có rất nhiều biệt dược như alpha choay, danzen... nhưng tác dụng hầu như giống nhau, cần lưu ý sử dụng liều lượng cho phù hợp. 
Chỉ nên sử dụng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn. ở giai đoạn viêm nhiễm có sốt, đau kèm theo khạc đờm đặc thì nên sử dụng kháng sinh, tốt nhất nên chọn loại kháng sinh phân bố và hấp thụ theo tuyến nước bọt, đồng thời lựa chọn kháng sinh phù hợp với sự đáp ứng của chủng vi khuẩn gây bệnh. Ðối với nhóm kháng sinh beta-lactam, hiện nay thường sử dụng augmentin (amoxilin + acid clavulanic). 
Nhóm cephalosporin - là nhóm kháng sinh được sử dụng khá phổ biến, với ba thế hệ, thế hệ thứ một tiêu biểu là cephalotin tác dụng chủ yếu trên tụ cầu. Thế hệ thứ hai có tác dụng tốt hơn thế hệ thứ nhất, vừa tác dụng trên vi khuẩn gram (+), vừa tác dụng vi khuẩn đường ruột gram (-), thuốc thông dụng khá phổ biến hiện nay là nhóm cefuroxim (zinnat) có tác dụng đối với tụ cầu, liên cầu, phế cầu, màng não cầu, lậu cầu, nên uống sau bữa ăn để thuốc hấp thu cao. Thế hệ thứ ba điển hình là cefotaxim có tác dụng trên liên cầu, phế cầu, tụ cầu, và để điều trị viêm màng não do vi khuẩn có tác dụng rất tốt vì thuốc vượt qua hàng rào máu não, thời gian bán hủy thuốc kéo dài hơn so với thế hệ 1-2. Nhóm macrolid (erytromyxin, rovamyxin, clarytromyxin...) có tác dụng đối với liên cầu nhóm A, Streptococus, màng não cầu, phế cầu, những thuốc này nên uống trước bữa ăn. Nhóm aminosid thông dụng nhất là streptomycin, gentamycin có tác dụng tốt với trực khuẩn gram (-) đường ruột, tụ cầu. Hiện nay nhóm thuốc này rất ít được sử dụng vì tác dụng phụ thường gây độc cho tai trong (các thống kê cho thấy 2% gây tổn thương tiền đình, 66% tổn thương chức năng nghe, 16% tổn thương kết hợp cả hai là tiền đình và chức năng nghe). 
Theo SK&ĐS

Bệnh viêm mũi xoang dị ứng


Tôi bị viêm mũi xoang dị ứng. Xin hỏi có cách nào điều trị khỏi được không? Trần Lan Hoa (Ninh Bình)
Viêm mũi xoang dị ứng cũng là một biểu hiện cục bộ tại mũi xoang. Khi tiếp xúc với các dị nguyên (yếu tố gây dị ứng) như bụi nhà, thực phẩm (trứng, sữa, các loại hải sản...), thuốc, phấn hoa, sự thay đổi các yếu tố của môi trường: độ ẩm, nhiệt độ..., tinh thần căng thẳng, nội tiết tố, vi khuẩn, virut...

- Bệnh biểu hiện bằng hai hình thái: viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc viêm mũi dị ứng quanh năm.
Người bệnh rất nhạy bén với các biến đổi trong mũi, cảm thấy ngứa ngáy, buồn buồn trong mũi rồi hắt hơi hàng tràng sau đó chảy nước mũi trong như nước mưa, rồi bắt đầu ngạt tắc mũi làm bệnh nhân cảm giác khó thở, nói giọng mũi và suy giảm ngửi, có khi mất ngửi.


Soi mũi thấy hình ảnh niêm mạc mũi gần như bình thường, nếu viêm mũi dị ứng lâu có màu tím hoa cà. Cuốn mũi dưới phù nề, sung huyết, tương đối cân xứng hai bên, màu tím nhạt, ẩm ướt. Có thể thấy khe giữa nề, có các pôlíp.
- Chẩn đoán chủ yếu dựa vào hỏi tiền sử dị ứng của bản thân người bệnh cũng như gia đình họ.
- Các dấu hiệu thăm khám như đã mô tả kết hợp với một số xét nghiệm như tìm tế bào ái toan trong dịch mũi, test thăm dò vùng ngoài da như test lẩy da, test nội bì...
- Dự phòng bằng thay đổi môi trường sống nếu tìm được yếu tố dị nguyên nhưng phương pháp này thường rất khó thực hiện, chủ yếu giữ nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ. Nâng cao sức đề kháng tự nhiên của cơ thể bằng các yếu tố vi khoáng chất, khí hậu liệu pháp, tắm suối nước nóng, châm cứu, tập thể dục thường xuyên...
- Điều trị triệu chứng bằng thuốc kháng histamin, corticoid toàn thân và tại chỗ do thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng chỉ định.
- Điều trị đặc hiệu bằng phương pháp giải mẫn cảm tức là đưa dị nguyên vào cơ thể với liều nhỏ và tăng dần để tạo kháng thể bao vây, thay đổi cách đáp ứng của cơ thể với yếu tố dị nguyên và vì thế làm mất triệu chứng dị ứng.

Thời gian điều trị thường kéo dài từ 6 tháng đến 5 năm.
Trường hợp thoái hóa niêm mạc và pôlíp nên kết hợp điều trị phẫu thuật, nhưng nên nhớ rằng đây chỉ là một biện pháp điều trị phối hợp với điều trị nội khoa, nếu chỉ mổ đơn thuần, chắc chắn bệnh sẽ tái phát.

Theo SK&ĐS

Viêm mũi xoang và thuốc trị


Viêm xoang là một bệnh rất phổ biến, đa số trường hợp do nhiễm trùng, nhiễm virut, nhiễm nấm. Viêm xoang được phân loại theo tính chất cấp tính và mạn tính. Viêm xoang cấp tính thường được điều trị nội khoa, còn mạn tính thì phải xét đến vấn đề điều trị ngoại khoa.
Viêm mũi xoang do rất nhiều nguyên nhân, có thể do dị ứng, do các virut, vi khuẩn, hoặc do các bệnh mũi xoang mạn tính khác. Tùy theo nguyên nhân mà bệnh có các biểu hiện khác nhau.
Viêm mũi xoang do dị ứng: Có thể gặp dị ứng theo mùa hoặc dị ứng quanh năm, nhất là ở các thời kỳ chuyển tiếp giữa các mùa.
Viêm mũi xoang vận mạch: Bệnh xuất hiện với triệu chứng sổ, nghẹt mũi khi có thay đổi về nhiệt độ hoặc độ ẩm trong không khí, khi bệnh nhân hít phải khói bụi, các hóa chất bay hơi hoặc khi có stress tâm lý.
Viêm mũi xoang nhiễm khuẩn: Bệnh xảy ra do cảm lạnh, nhiễm siêu vi kèm biến chứng nhiễm khuẩn mũi xoang kéo dài hơn 6 tuần.

Viêm mũi mạn tính do thuốc xịt mũi: Đây là trường hợp viêm mũi do lạm dụng thuốc nhỏ mũi lâu ngày hoặc nghiện hít bột ma túy. Triệu chứng biểu hiện là nghẹt mũi liên tục ở bất kỳ tư thế nào và dịch tiết chảy từ mũi xuống họng. Để tránh hậu quả này, không nên dùng thuốc bơm xịt mũi trong thời gian quá lâu, vì sẽ có hiện tượng phản hồi sau khi ngưng thuốc, các cuống mũi giãn nở ra khiến tình trạng nghẹt mũi nặng thêm. Điểm quan trọng nhất trong điều trị viêm mũi mạn do thuốc là bệnh nhân cần hợp tác với thầy thuốc để loại bỏ dần thuốc xịt thông mũi.
Viêm mũi do nội tiết: Hay gặp ở thai phụ và trong bệnh suy tuyến giáp, biểu hiện như viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi xoang còn có thể do một nguyên nhân đặc hiệu: Viêm mũi xoang do vi nấm. Hiện nay, với các tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh, những phát triển về kỹ thuật vi sinh và huyết thanh chẩn đoán, thầy thuốc đã có thể phát hiện và định danh các chủng vi nấm gây bệnh một cách chính xác.
Ngoài ra, viêm mũi xoang do vẹo vách ngăn, do polyp mũi hoặc VA (sùi vòm họng) phì đại thường biểu hiện bằng nghẹt mũi một bên mạn tính. Nên khám chuyên khoa tai mũi họng để xác định nguyên nhân.
Điều trị
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh nếu là viêm mũi xoang do vi khuẩn. Với những trường hợp viêm mũi xoang do cảm cúm nên dùng thuốc cảm thông thường như paracetamol, thuốc chống dị ứng; phun khí dung hoặc thủ thuật Proezt (xúc rửa xoang) để đưa dung dịch thuốc vào xoang sàng.
Khi điều trị nội khoa bằng thuốc không đỡ, bác sĩ sẽ chọc xoang hàm để rút mủ hoặc phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn, nạo xoang... Trường hợp viêm mũi xoang do răng, cần phải nhổ răng gây bệnh.
Hiện tại, phẫu thuật nội soi điều trị viêm mũi xoang chính xác và an toàn hơn mổ hở. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, đối với những bệnh nhân viêm mũi xoang do dị ứng (nhiệt độ, thời tiết, bụi nhà, phấn hoa, lông thú...) nếu vẫn tiếp tục tiếp xúc với các dị ứng nguyên nói trên, nguy cơ tái phát sẽ rất cao.
Do đó, sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc kháng dị ứng và cần tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh. Bụi nhà là nguyên nhân chính gây viêm mũi xoang dị ứng. Với những loại viêm mũi xoang khác, khả năng tái phát ít hơn.
Cần lưu ý là trẻ em cũng bị viêm mũi xoang. Nguyên nhân thường do trẻ bị viêm VA không được điều trị kịp thời hoặc để bệnh tái phát nhiều lần.
Một số thuốc thường dùng trong bệnh viêm mũi xoang
Thuốc kháng histamin như chlorpheniramin, promethazin, acrivastin, levocetirizine, loratadin... Các loại thuốc này rất hiệu quả đối với ngứa và sổ mũi do dị ứng nhưng không có tác dụng chữa nghẹt mũi. Do vậy cần phối hợp với các thuốc điều trị nghẹt mũi.
Thuốc thông mũi, điều trị nghẹt mũi: Các dược chất thường dùng là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Thuốc khá hiệu quả trong việc làm thông mũi nhưng cũng có tác dụng phụ. Loại thuốc này dùng dưới dạng uống hay xịt, chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày do hiện tượng lờn thuốc tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn (vicious circle) dẫn tới viêm mũi mạn tính.
Thuốc corticoid uống hoặc xịt: Thuốc xịt mũi có corticoid là hiệu quả nhất trong việc điều trị tất cả các thể viêm mũi xoang mạn tính. Thuốc làm giảm tất cả các triệu chứng như ngứa niêm mạc mũi xoang, do đó làm thông mũi và giải quyết ứ tắc xoang. Thuốc này tương đối an toàn khi sử dụng lâu dài do ít bị hấp thu vào máu.
Corticosteroid uống hiệu quả nhưng ít được sử dụng vì có nhiều tác dụng phụ độc hại như gây loãng xương, suy thượng thận (Cushing do thuốc), viêm loét dạ dày tá tràng... chỉ nên dùng trong trường hợp viêm mũi xoang nặng với thời gian ngắn khoảng từ 3-7 ngày.
Thuốc súc rửa mũi: Dùng dung dịch nước muối loãng hoặc NaCl 0,9% để rửa mũi bằng cách cho dung dịch nước muối 0,9% vào lọ nhựa sạch, rồi nhỏ vài giọt vào hốc mũi, sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi, thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối.
Thủ thuật Proetz (xúc rửa xoang): Đây là cách rửa xoang, lấy mủ từ xoang ra bằng áp lực âm không gây đau hoặc chảy máu, không cần dụng cụ y khoa như kìm, kéo..., phù hợp với những trường hợp viêm mũi xoang nhẹ.
Các thuốc kháng sinh: Việc dùng thuốc đúng, đủ và đều đặn có thể diệt được vi khuẩn. Ngược lại, nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, vi khuẩn sẽ lờn thuốc, gây bùng phát bệnh trở lại.
Phẫu thuật: Đây là chọn lựa sau cùng khi các phương pháp trên đều thất bại. Hiệu quả phẫu thuật xoang ít khi trọn vẹn, khả năng phục hồi trên 80% được xem là khá tốt. Thời gian phẫu thuật khoảng 15-30 phút. Với những ca phức tạp, phải can thiệp nhiều xoang như xoang hàm, sàng, trán, bướm, thời gian phẫu thuât kéo dài khoảng 2 giờ.
Theo SK&ĐS

Những điều cần lưu ý ở người mắc bệnh tim


Hội Tim mạch Mỹ cho rằng, ít vận động là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tim. Hoạt động thích hợp có rất nhiều cách, ví dụ như tham gia làm vườn, làm việc nhà, đi bộ, đạp xe chậm... là những hoạt động không quá mạnh, làm thường xuyên sẽ góp phần phòng bệnh tim rất tốt.
Không nên ngồi lâu không hoạt động
Một ngày đi bộ hoặc hoạt động nhẹ nhàng khoảng 60 phút, hoặc ít nhất cách ngày một lần cũng sẽ rất có ích trong phòng chống bệnh tim mạch. Lời khuyên mọi người "vận động là sự sống".

Người bị bệnh tim không nên ngủ quá nhiều
Các chuyên gia y học Mỹ đã điều trị 80 vạn người trong độ tuổi từ 40 - 80, kết quả cho thấy, những người bị bệnh tim mà ngủ 10 giờ một ngày thì tỷ lệ tử vong gấp 2 lần người chỉ ngủ 7 giờ/ngày, tỷ lệ này ở người trúng phong là 35 lần, điều này cho thấy, ngủ nhiều quá không tốt. Đó là vì khi ngủ, tuần hoàn máu chậm, dễ gây thành các cục máu đông; ngoài ra, nếu ngủ quá dài, cũng là dấu hiệu chứng xơ vữa động mạch. Do vậy, người có tuổi không nên ngủ nhiều, đề phòng bất trắc.
Ban ngày ngủ khó dậy cần đề phòng bệnh tim
Các nghiên cứu cho thấy, người ngủ khó tỉnh không phải là việc tốt, nhất là ban ngày ngủ khó dậy thì tỷ lệ mắc bệnh tim càng cao hơn. Đặc biệt là đối với những người già, nhất là phụ nữ mà ban ngày ngủ mê mệt, khó dậy thì tỷ lệ mắc bệnh tim thường cao hơn so với những người trẻ. Một công trình nghiên cứu của Mỹ cho thấy, những phụ nữ cao tuổi ngủ ngày mà khó dậy thì tỷ lệ tử vong do bị bệnh tật cao hơn tới 82%, khả năng mắc bệnh tim cao hơn người khác tới 62%. Còn ở đàn ông thì tỷ lệ này chỉ là 35%.
Ban ngày sự trao đổi chất ở đại não phải dựa vào hoạt động mạnh mẽ của tim mới hoàn thành được, mà tim muốn hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này lại phải dựa vào tuần hoàn máu ở hai hệ. Trong đó tuần hoàn phổi làm cho máu ở tĩnh mạch chứa ôxy thấp khi qua phổi được bổ sung đầy đủ ôxy rồi thông qua tim đập để chảy ra động mạch. Còn vòng tuần hoàn lớn ở cơ thể lại làm cho máu từ động mạch chảy tới các phủ tạng và tổ chức cơ thể để đảm bảo cho sự trao đổi chất ở đó. Khi tim bị mắc bệnh, hai vòng tuần hoàn nói trên đều bị ảnh hưởng, trong đó não là bộ phận mẫn cảm nhất, nếu cung cấp năng lượng và ôxy cho nó không đủ sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng của não, làm cho người bệnh luôn muốn ngủ, tinh thần mệt mỏi.
Không nên hút thuốc
Hút thuốc là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim không triệu chứng. Các nhà khoa học Mỹ khảo sát hai nhóm người hút thuốc và không hút thuốc cho thấy, nicotin trong thuốc lá làm giảm ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, làm cho năng lực cảm nhận đau đớn giảm đi, chính điều này đã che lấp triệu chứng của bệnh động mạch vành ở người bệnh. Vì vậy người bệnh chủ quan không đi khám và khi được phát hiện thì bệnh đã nặng. Lời khuyên là,  người hút thuốc cần khám sức khỏe định kỳ và làm điện tâm đồ, nếu có thiếu máu cơ tim cần điều trị ngay.
Không nên chủ quan khi trời mưa lạnh
Bị mưa đột ngột dễ dẫn tới bệnh động mạch vành. Theo các chuyên gia, khi trời mưa khí hậu thay đổi rất lớn, khí áp hạ đột ngột, lúc đó tim sẽ đập nhanh hơn, cơ tim dễ bị thiếu ôxy. Nếu đột ngột bị mưa, nhiệt độ trong và ngoài cơ thể sẽ chênh lệch nhau, tim không chịu nổi những ảnh hưởng đó của môi trường, dễ gây ra bệnh động mạch vành, nhất là ở người già.
Không dùng quần áo bằng sợi hóa học
Người bị bệnh tim mạch cần chú ý đến hiện tượng tĩnh điện. Với người bình thường, tĩnh điện hoàn toàn không gây hại, nhưng người bệnh tim cần cẩn thận. Các nghiên cứu cho thấy, một số người bị bệnh nhịp tim thất thường đa số do mặc đồ lót bằng sợi hoá học làm da bị tĩnh điện gây ra chênh lệch điện áp, ảnh hưởng tới sự truyền dẫn của điện tim, đẫn tới nhịp tim thất thường. Do đó, người có bệnh tim mạch, cần phải mặc đồ lót bằng sợi bông để tránh hiện tượng trên. Ngoài ra cần tăng cường độ ẩm tương đối trong phòng ở cũng là cách để hạn chế tĩnh điện làm tổn thương cơ thể.
Tránh căng thẳng trong công việc
Phần lớn bệnh tim là do áp lực về tâm lý (stress). Chẳng hạn công việc quá nhiều, quá lu bù, làm việc quá sức hoặc xúc cảm quá, nhất là loại không vui vẻ (cảm xúc âm tính). Các nghiên cứu cho thấy, khi rơi vào trạng thái quá căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi, hệ thống thần kinh thực vật xuất hiện những phản ứng mang tính điều tiết như tim đập nhanh hơn, vã mồ hôi, người run lên, tâm thần bất ổn, mất ngủ... Những phản ứng này sau đó sẽ tự mất đi. Nhưng một số người tính cách hướng nội, mẫn cảm, đa nghi, không đủ tự tin, do dự, quá chú ý tới bản thân, sinh ra căng thẳng và lo sợ trước những phản ứng của cơ thể, sẽ làm cho những triệu chứng này tăng nặng thêm. Các stress đều dễ trực tiếp tạo nên các biến chứng nặng nề của bệnh xơ vữa động mạch (như cơn đau tim) dạng nhồi máu cơ tim hoặc dạng cơn đau thắt ngực.
Suy tim cấp tính - Chớ coi nhẹ
Suy tim cấp tính là chỉ những người chức năng tim không toàn vẹn nhưng triệu chứng lại không điển hình, nên rất dễ bị coi nhẹ. Nếu khi ngủ đêm phải kê cao gối mới thấy thoải mái, khi nằm ngửa bị ho, thở dốc; khi ngủ hay bị ngạt phải tỉnh dậy ngồi một lúc mới khỏi... thì có thể là biểu hiện của suy tim. Người khi nằm mà bị ho, chú ý nếu bị suy tim thì ho thường kèm theo sợi máu hoặc viêm tuyến nước bọt, ngồi dậy thấy đỡ, dùng thuốc kháng sinh điều trị không kết quả, mẫn cảm với thuốc trợ tim đều thuộc dạng này. Nhịp tim thất thường cũng là một đặc trưng của người suy tim, mạch tăng (trên 80 lần/phút), hễ lao động thể lực là tăng trên 100 lần/phút, cũng có lúc thấy mạch ngừng. Hiện tượng này chứng tỏ nhịp tim thất thường (loạn nhịp) một khi phát hiện ra cần đi kiểm tra ngay để đề phòng bị suy tim. 
Theo SK&ĐS

Cấp cứu nhồi máu cơ tim


Nhồi máu cơ tim (NMCT) là một bệnh lý nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Tất cả những trường hợp nghi ngờ NMCT cần sơ cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất chuyển thẳng đến các bệnh viện có trung tâm tim mạch để có các biện pháp cứu chữa tích cực nhất.
Nguy  cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời
NMCT thường có thể xuất hiện đột ngột bằng cơn đau ngực khi gắng sức vào ban đêm hoặc lúc nghỉ ngơi. Khi cơ tim bị nhồi máu, bệnh nhân cảm thấy đau ngực sau xương ức, nặng ngực, cảm giác như sắp chết, đau có thể lan lên cằm, ra tay trái, phía ngón nhẫn và ngón út bàn tay trái, đôi khi có thể lan ra sau lưng hoặc xuống bụng. Cơn đau này kéo dài dai dẳng trên 30 phút, không đỡ khi dùng thuốc giãn vành trinitrin dạng xịt hoặc ngậm nitroglycerin dưới lưỡi. Ngoài cơn đau ngực, bệnh nhân có thể biểu hiện khác như khó thở, vã mồ hôi, kích động, buồn nôn, nôn, nấc, sốt nhẹ có thể xuất hiện sau triệu chứng đau ngực 24 giờ rồi lui dần... Nặng hơn có thể tụt huyết áp, khó thở dữ dội, khạc bọt hồng  - biểu hiện của phù phổi cấp do suy tim trái cấp.

Những trường hợp nghi ngờ NMCT cần phải vào cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức với sự trợ giúp của đội cấp cứu chuyên nghiệp, bệnh nhân sẽ được làm điện tim đồ, men tim tại chỗ và sơ cứu: thở ôxy, giảm đau... rồi chuyển thẳng đến viện chuyên khoa. Tại phòng cấp cứu, bệnh nhân nghi ngờ NMCT sẽ được làm điện tim đồ để xác định vị trí và mức độ nặng của NMCT; bệnh nhân cũng được làm các xét nghiệm máu để khẳng định NMCT như: troponin, đây là một dấu ấn sinh học đặc hiệu cho tổn thương cơ tim, có thể phát hiện sớm (troponin tăng sau nhồi máu cơ tim 2- 4 giờ, còn tiếp tục cao sau 5 - 9 ngày kể từ khi có triệu chứng); men CK, CK- MB tăng, ngoài ra men transaminase (GOT), men lactatdehygenase (LDH), số lượng bạch cầu máu tăng, máu lắng cũng có thể tăng.
Các biện pháp cấp cứu càng nhanh càng tốt
Khi có những dấu hiệu bệnh, cần phải khẩn trương gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trong lúc chờ đợi có thể phải dùng ngay nitroglycerin truyền tĩnh mạch (trừ trường hợp huyết áp quá thấp hoặc NMCT thất phải), dùng thuốc giảm đau dòng morphin, thuốc an thần giảm lo lắng và  thở ôxy, nếu có ngừng tim cần cấp cứu ngừng tuần hoàn theo quy trình. Vận chuyển bệnh nhân phải được tiến hành bằng xe cứu thương chuyên dụng thở ôxy,  truyền tĩnh mạch, làm điện tim trên xe và có thể bắt đầu điều trị.
Tại bệnh viện: Mục đích đầu tiên của điều trị là nhanh chóng tái thông mạch vành. Ngay từ khi vào cấp cứu hoặc khi nằm ở đơn vị điều trị tích cực, bệnh nhân NMCT phải được làm như sau: nằm tại chỗ; thở ôxy qua mặt nạ, dùng heparin và aspirin để làm giảm độ quánh của máu; cho thuốc giảm đau (morphin); thuốc giải lo âu. Ngoài ra còn có thể cho thêm các thuốc: thuốc chẹn beta (atenolol, metoprolon), tiêm nitroglycerin  tĩnh mạch.
Nhanh chóng cho bệnh nhân tiếp cận kỹ thuật tái tưới máu mạch vành, tùy vào trang thiết bị cơ sở chuyên khoa, có 2 kỹ thuật được sử dụng là: dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông - thủ phạm làm tắc động mạch vành; chụp mạch vành dưới màn hình tăng sáng và nong bằng bóng rồi đặt giá đỡ (stent) nếu cần, là kỹ thuật được dùng nhiều hơn tại các trung tâm tim mạch ở nước ta. Trong trường hợp bệnh nhân không thể can thiệp thì phải chuyển đến cơ sở phẫu thuật tim mạch - lồng ngực để được phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành.
Thông thường bệnh nhân NMCT cần phải được tiếp cận càng nhanh càng tốt với các biện pháp tái tưới máu cho cơ tim tại cơ sở chuyên khoa. Tuy nhiên nhiều trường hợp vào cấp cứu đã xuất hiện biến chứng ngay như rối loạn nhịp, ngừng tim... đòi hỏi phải xử trí kịp thời, nhanh chóng, đúng phác đồ mới có thể giúp bệnh nhân còn cơ hội được tiếp cập với các kỹ thuật tái thông mạch vành.
NMCT có nhiều biến chứng, người ta chia làm 2 loại là biến chứng sớm và biến chứng muộn. Biến chứng sớm của NMCT có thể gặp: sốc không do tim hay sốc do cường phế vị, mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp do tim nhưng có thể dẫn đến tử vong; sốc tim nếu vùng cơ tim bị nhồi máu rộng (40-50% khối cơ tim) gây suy tim toàn bộ (gặp 10 -15% các trường hợp); suy tim trái cấp thường gặp trong những ngày đầu của NMCT biểu hiện khó thở, sung huyết phổi và phù phổi cấp; rối loạn dẫn truyền do hoại tử cơ tim dẫn đến rối loạn dòng ion bình thường tham gia vào co bóp của cơ tim, các rối loạn dẫn truyền thường được gọi là blốc nhĩ thất có thể dẫn đến ngừng tim; các rối loạn nhịp tim gặp trong 90% các trường hợp NMCT, ví dụ: rung thất đe dọa tử vong, tâm thất làm việc không hiệu quả dẫn đến ngừng tuần hoàn
Điều trị duy nhất là sốc điện; nhịp nhanh thất có thể dẫn đến suy tim cần phải làm giảm nhịp tim cấp cứu bằng thuốc chống loạn nhịp hoặc bằng sốc điện, rung nhĩ cũng cần được điều trị; vỡ cơ tim hiếm (0,5-1%) nhưng rất nguy kịch đòi hỏi phẫu thuật nhưng thành công cũng không cao; bệnh huyết khối - tắc mạch, tắc động mạch não, chi hoặc tắc động mạch phổi thường gặp vì thế cần phải cho chống đông giảm độ nhớt của máu.
Theo SK&ĐS

Những lời khuyên cho người nhồi máu cơ tim


Ai cũng biết nhồi máu cơ tim (NMCT) là một bệnh rất nặng. Thống kê ở Mỹ năm 1999 cho biết cứ 100 người bệnh thì có 25 người tử vong trong tháng đầu (14 người chết trong giờ đầu (chết tại nhà chư­a kịp đến bệnh viện)!

Nhưng đời sống của 75 người may mắn vượt qua được cái "cửa tử" một tháng đó sẽ ra sao? Trước kia, và ngay cả bây giờ, nhiều người vẫn nghĩ rằng nhồi máu cơ tim là "hết đời", là "sống cũng như chết"... và... Sự thật hoàn toàn không phải như thế: tuyệt đại đa số người sống sót sau một trận nhồi máu cơ tim có thể có một cuộc sống gần như bình thường. Chỉ cần một chút hiểu biết và giữ gìn, là cuộc sống sau nhồi máu cơ tim có thể đầy đủ, hoạt động và thú vị. Số nhỏ gặp sự cố sau nhồi máu cơ tim, có thể do bệnh nặng, vùng nhồi máu quá lớn, hoặc cũng có thể do không biết cách giữ gìn. Vậy những người đã qua khỏi nhồi máu cơ tim và ra viện, nên sinh hoạt như thế nào?
Về hoạt động nghề nghiệp. Gần nh­ư tất cả những người nhồi máu cơ tim mà không có biến chứng gì đều có thể tiếp tục nghề cũ của mình, trung bình một tháng sau, tính từ ngày bắt đầu đau. Nếu trừ đi thời gian nằm viện, thường từ 1- 2 tuần, thì chỉ cần nghỉ ở nhà 2 - 3 tuần là đủ. Nghỉ lâu quá không có lợi làm người yếu thêm, lại hay lo nghĩ bi quan, rồi lại mất thói quen nghề nghiệp, đi làm lại khó khăn hơn. Không nên về hưu vì nhồi máu cơ tim (trừ những trường hợp gần sát tuổi nghỉ hưu).

Nhiều người lầm tưởng bệnh tim như nhồi máu cơ tim thì phải lao động trí óc. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Những người lao động trí óc dùng ít năng lượng, tim đỡ tốn sức, nên có thể trở lại công việc sớm hơn những người lao động chân tay. Công việc văn phòng như máy tính, kế toán, thư ký, lập kế hoạch, thủ quỹ có thể tiếp tục được sớm... Giáo viên các cấp cũng không nên nghỉ việc quá lâu. Văn nghệ sĩ sáng tác văn, thơ, nhạc, họa... nên tiếp tục công việc sớm hơn nữa. Các nhà quản lý cũng nên trở lại công việc chỉ đạo lãnh đạo các cơ quan, xí nghiệp, trường học... sớm. Chỉ cần một điều: cố tránh hoặc giảm bớt các cuộc chiêu đãi, tiệc tùng, ở đó người ta ép nhau hút thuốc lá, uống rượu, ăn quá độ và thức khuya. Lao động chân tay, nếu nhẹ có thể trở lại công việc sau 1 tháng, nếu việc vất vả nặng nhọc quá thì phải nghỉ lâu hơn. Ðối với những người làm nghề bốc vác nặng, leo núi đi bộ xa, lên thang gác nhiều, đẩy xe nặng, có khi phải đổi sang nghề khác tốn ít sức hơn, cho phù hợp với khả năng của tim sau khi bị bệnh.

Về thể dục thể thao, nên bắt đầu hoạt động sớm. Ngay khi còn nằm trên giường bệnh, người nhồi máu cơ tim đã nên "cử động" chân tay, trở mình; và từ ngày thứ 2-3 trở lên có thể tập đi bộ tăng dần cho đến khi ra viện thì có thể đi lại trong nhà, ngoài sân, mới đầu đi đường bằng, sau đó dần dần lên vài bậc hoặc leo dốc nhẹ. Vài tuần sau lên gác 2, việc giặt giũ, xách nước cần đợi lâu hơn. 2 tháng có thể đánh Tennis lại, dần dần đi bộ xa hơn, đạp xe cũng rất tốt, xe máy đi được chỉ cần tránh đường quá đông đúc. Bơi rất tốt nếu bơi thong thả. Nên chú ý ngừng nghỉ một lúc nếu thấy tức ngực, khó thở, chóng mặt hoặc tim đập quá nhanh.
Mùa rét nên tập nhẹ hơn mùa hè, thời tiết xấu nên tập trong nhà, tốt nhất là có máy tập (chạy, đạp xe...). Nên tránh tập tạ, lặn dưới nước... Nếu tập sang môn mới nên hỏi ý kiến bác sĩ cho cẩn thận.

Đi du lịch rất tốt. Tuy nhiên, ngồi máy bay quá lâu, 5 - 6 tiếng trở lên cũng gây mệt chút ít. Nhớ đừng xách nặng! Về sinh hoạt tình dục chỉ cần kiêng một tháng, sau đó hoạt động dần trở lại. Mới đầu hoạt động ít ngắn, động tác nhẹ nhàng, nếu cần thì dùng những tư thế ít tốn sức cho nam giới như nằm nghiêng, hoặc nằm dưới. Nói chung, không nên gắng sức!
Về tâm lý, điều hết sức quan trọng là theo đúng lời khuyên của thầy thuốc. Không nên quá sợ hãi, quá lo lắng làm khó ngủ và mất bình tĩnh. Ðặc biệt, không nên nghe theo lời mach bảo của những người không chuyên môn, kể cả những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cũ và các bác sĩ không chuyên khoa thí dụ kiêng quá mức hoặc dùng những thuốc tác dụng không rõ ràng..
Cách ăn uống và thuốc men sau nhồi máu cơ tim là một vấn đề quan trọng. Một nghiên cứu theo dõi trên 300 bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã ra viện từ nhiều năm cho biết: đa số người bệnh vẫn hoạt động bình thường, tiếp tục công việc trước kia nhiều người đi bộ mỗi ngày một vài km. Ða số vẫn có hoạt động "giường chiếu" bình thường, nếu có nhu cầu. Số có biến chứng tái phát rất ít. Kinh nghiệm thực tế đó cho phép người nhồi máu cơ tim yên tâm lạc quan với sức khỏe của mình.
Theo Cimsi

Chế độ ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường


Việc chữa trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cần tuân theo 3 phác đồ như sau: Bằng chế độ ăn uống + tập luyện thể dục thể thao (TDTT). Chế độ ăn kết hợp thuốc tiêm insulin + TDTT. Bằng chế độ ăn kết hợp thuốc viên làm hạ glucose huyết + TDTT.
Như vậy, dù chữa trị theo cách nào, chế độ ăn uống vẫn đóng một vai trò quan trọng và cần thiết để chữa trị ĐTĐ. Mục đích là điều chỉnh chứng tăng glucose huyết và glucose niệu, duy trì một thể trạng hợp lý và làm mất các triệu chứng chủ yếu (nhưng vẫn tránh tình trạng hạ glucose huyết dưới mức bình thường).
Các món ăn có ích cho người bệnh ĐTĐ là rau quả, trái cây và thịt, cá, tôm… theo thứ tự ưu tiên như sau:

Rau quả: rau mồng tơi, cải bẹ trắng, rau dền cơm, dưa leo, mướp đắng, rau diếp, củ cải, xà-lách xoong, rau muống, cải bẹ xanh, bầu, bí, cần tây, cà chua. Một số rau quả khác cũng rất có ích cho người bị ĐTĐ như: đậu bắp, rau đay, bông súng, củ sắn nước, đậu hũ, đậu cô-ve, đậu xanh, giá sống, nấm đông cô, mộc nhĩ trắng, cà tím, các loại rau thơm, mè đen, tỏi, hành tây…
Các loại rau trên nên dùng tươi sống, hoặc luộc chín, hấp, nấu canh, hạn chế dùng dưới dạng xào, chiên nhiều dầu mỡ khó tiêu, nướng chín.
Trái cây: một số trái cây tươi, ít ngọt sẽ cung cấp nhiều vitamin C và chất khoáng như: mận, điều, cam, quýt, bưởi, khế, mơ, dưa gang, dưa hấu. Một số có thể dùng nhưng chỉ với số lượng ít như: táo tây (1 trái), nho tươi (2 trái nhỏ), đu đủ chín (1/4 trái nhỏ), dứa (1/2 trái), chuối (1 trái), sa-pô-chê (1/2 trái)…
Không nên ăn trái cây khô, trái cây đóng hộp.
Các chất đạm: chỉ nên dùng thịt nạc (heo, bò, gà), trứng hoặc đậu hũ. Cá sông rất tốt cho người ĐTĐ là: cá lóc, cá rô, cá chạch, cá chốt, cá trê, cá bống, cá thác lác. Một số cá biển như: cá chim, cá thu, cá mực, tôm, cua, nghêu, ốc, hến đều có thể dùng.
Chất béo: nên dùng dầu đậu nành, dầu mè, dầu đậu phụng, dầu ô-liu.
Một vài phương thức trị liệu bổ trợ trong việc điều trị ĐTĐ
Mướp đắng (khổ qua) tươi ngày dùng 150-200gr, nấu canh, ăn sống, xào, làm nộm…
Nếu dùng khô, ngày dùng 12-16gr sắc uống hoặc pha trà uống hằng ngày.
Lá ổi non tươi 100gr, rửa sạch, nấu với 1 lít nước, sắc còn 750ml, chia 3 lần uống trước bữa ăn 1-2 giờ.
Củ cà-rốt tươi 100gr, củ cải tươi 100g, mộc nhĩ đen 20gr. Nấu với 1 lít nước, sắc còn 750ml, chia 2 lần ăn lúc đói bụng.
Hoặc thêm gạo lứt 50gr để nấu cháo, chia thành 2 lần ăn lúc đói bụng.
Dùng lá rau khoai lang 100g, bí đao (bí xanh) 100gr, cà chua 100gr, đậu hũ non 150gr, nấu canh ăn trong bữa cơm.
Có thể dùng vỏ tươi của củ khoai lang trắng, rửa sạch, lấy 50-80gr nấu với 1 lít nước, chia uống trong ngày.
Bột sắn dây (hoặc củ sắn dây thái lát, phơi khô) 30-50gr, gạo lứt 50gr, nấu cháo loãng, chia 2 lần ăn lúc đói bụng.
Mỗi ngày ăn 150gr cà chua xào với thịt heo nạc hoặc đậu hũ, hoặc nấu canh chua, cà chua xào giá đậu hũ, cà chua nhồi thịt heo, cà chua nhồi đậu hũ, mộc nhĩ…
Nếu dùng khô, ngày dùng 30gr bột cà chua hãm với nước sôi, chia 3 lần uống lúc đói bụng.
Bột củ mài (hoài sơn) 50gr, hạt bo bo (ý dĩ) 30gr, nấu thành cháo loãng, chia 2 lần ăn lúc đói bụng.
Dùng vỏ dưa hấu 60gr tươi, vỏ bí đao 30gr, đậu đỏ 30gr, lá sen tươi 50gr. Nấu với 1 lít nước, sôi khoảng 10-15phút, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Rau diếp quắn, tức cây xà lách Đà Lạt, ngày dùng 100-150gr tươi rửa thật sạch, nấu với 1 lít nước, sôi khoảng 10 phút, ăn cả cái lẫn nước trong bữa ăn.
Có thể dùng rau diếp quắn dưới dạng rau tươi hoặc trộn dầu giấm.
Rau cần tây (cần thái) 100-200gr tươi, rửa sạch, trần qua nước sôi rồi giã nhuyễn, vắt lấy nước lọc chia 2 lần uống sau bữa ăn.
Theo thanhnien

Trên tạp chí Lưu trữ những loại bệnh nội khoa (JIM) của Mỹ số ra tháng 12/2009 có đăng tải kết quả 18 nghiên cứu của nhóm chuyên gia ở Viện Y học và Đại học Sydney Australia từ năm 1966 - 2009. Theo các nghiên cứu này thì việc uống cà phê hoặc cà phê khử caffein và chè thường xuyên có thể làm giảm rủi ro mắc bệnh đái tháo đường.
Trong các nghiên cứu trên có 457.922 người tham gia dùng cà phê khử caffein và chè. Kết quả tổng thể cho thấy nhóm người dùng 2 loại đồ uống nói trên có thể giảm được 7% rủi ro mắc bệnh đái tháo đường so với những người không dùng đồ uống này. Kết quả cụ thể ở từng nhóm phụ thuộc vào mức độ cà phê hay chè sử dụng. 

Ví dụ những người uống 3-4 cốc/ngày giảm được 25% rủi ro mắc bệnh so với nhóm dùng từ 1-2 cốc/ngày. Sở dĩ những loại đồ uống này tốt cho cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường là do có chứa nhiều hợp chất hữu ích như magiê, các chất chống ôxy hóa như lignas hoặc các loại axít chlorogenic. 
Phát hiện trên mở ra triển vọng mới tìm ra những liệu pháp điều trị bằng ăn uống ở nhóm người có rủi ro mắc bệnh đái tháo đường cao. Ví dụ như bệnh đái tháo đường khi mang thai, nhóm người có tiền sử mắc bệnh... Theo số liệu thống kê thì đến năm 2005 số người mắc bệnh đái tháo đường týp 2 trên thế giới có thể tăng tới 380 triệu người, vì vậy việc phòng bệnh đóng vai trò quan trọng.
NK (Theo Net/SD, 12/2009)

Một số thuốc mới điều trị bệnh đái tháo đường type 2


Khoảng 20 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã có nhiều cố gắng phát triển thêm một số loại thuốc mới. Các thuốc này đều nhằm tới hormon incretin GLP-1. GLP-1 được tiết ra bởi tế bào L ở ruột có khả năng điều chỉnh đường máu thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Trong cơ thể người, GLP-1 bị mất tác dụng rất nhanh bởi men DPP-IV. Mọi nỗ lực tạo thuốc mới nhằm vào 2 hướng: ức chế hoạt tính men DPP-IV; và tạo ra chất giống GLP-1 nhưng kéo dài được thời gian tác dụng.

Byetta
Byetta (exenatide = exendin-4) được chiết xuất từ nước bọt một loại thằn lằn độc ở Nam Mỹ có tác dụng giống incretin (GLP 1) do ruột tiết ra tác động đến tụy kích thích tiết insulin, làm giảm tiết glucagon (một hormon do tụy tiết ra làm tăng đường máu), làm chậm hoạt động của ruột. Do đó, byetta làm giảm đường máu và có thể dùng kèm theo các thuốc hạ đường máu khác như nhóm sulfonylurea, nhóm metformin.
Giống như các loại thuốc trị bệnh đái tháo đường trước đây, byetta không chữa khỏi được bệnh đái tháo đường, byetta chỉ tạo thêm một lựa chọn khác cho bệnh nhân khi những thuốc trước đây tỏ ra mất tác dụng. Khi dùng byetta, HbA1c giảm được khoảng 0,5-1%.

Không dùng được byetta trong trường hợp mắc đái tháo đường type 1 (vì tụy không còn tiết insulin nữa); vì byetta thải chủ yếu qua thận nên nếu bệnh nhân suy thận nặng (mức lọc cầu thận dưới 30ml/phút) cũng không được sử dụng loại thuốc này. Ngoài ra, nếu bị mẫn cảm với thuốc hoặc bị bệnh đường ruột nghiêm trọng cũng không thể dùng byetta.
Tác dụng phụ chủ yếu của thuốc là buồn nôn, nôn, đi ngoài gặp tới 30-45% số người dùng. Các tác dụng phụ khác ít gặp hơn bao gồm chóng mặt, đau đầu, yếu cơ, phù, chán ăn, trào ngược dạ dày-thực quản. Một tác dụng phụ khác rất nặng là thuốc byetta có thể gây nên hoại tử tụy cấp.
Byetta được dùng như thế nào?
Tiêm dưới da ngày 2 lần trước bữa ăn sáng và chiều 5mcg/lần ít nhất 60phút trước ăn. Sau một tháng nếu đường máu chưa đạt được mức yêu cầu có thể tăng liều lên gấp đôi (10mcg/lần). Không dùng cho trẻ em. Loại byetta LAR dùng tiêm 1 lần/tuần đang trong quá trình thử nghiệm. Byetta được chính thức sử dụng từ ngày 28/4/2005.
Thuốc ức chế men DPP-IV
Có 2 thuốc đang được lưu hành: sitagliptin được dùng ở cả châu Âu và Mỹ, vildagliptin mới chỉ được dùng ở châu Âu. Cả 2 loại thuốc này đều dùng theo đường uống, có tác dụng ức chế men DPP-IV nên làm tăng lượng GLP-1 có sẵn trong cơ thể. Tác dụng phụ chủ yếu là đau đầu, buồn nôn và nôn. Ngoài ra, thuốc còn có tác động lên hệ miễn dịch tạo thuận lợi cho viêm đường hô hấp trên, viên họng. Không được dùng nhóm thuốc này cho bệnh nhân mắc tiểu đường type 1. Vì là nhóm thuốc rất mới (dùng từ 17/10/2006) nên những tác động dài hạn (cả tốt và xấu) vẫn còn phải được theo dõi thêm.
Đồng phân amylin tổng hợp - pramlintide
Hiện chỉ có duy nhất một thuốc được Mỹ phê chuẩn dùng cho bệnh nhân tiểu đường type 2 – pramlintide.
Khi được tiêm dưới da trước các bữa ăn Pramlintide có tác dụng làm giảm đường máu sau ăn; giảm lượng thức ăn đưa vào khiến bệnh nhân giảm cân. Theo các thử nghiệm, pramlitide làm giảm đường máu mức độ nhẹ khi mà chỉ số HbA1c chỉ giảm được 0,5-0,7%. Cân nặng giảm được 1-1,5kg sau 6 tháng sử dụng.
Pramlintide dùng được cho cả bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2. Tác dụng phụ chủ yếu là đau đầu, chóng mặt, ho và nhất là tác dụng phụ trên đường tiêu hóa gây đau bụng, buồn nôn, nôn. Pramlintide được phê chuẩn sử dụng từ tháng 3/2005. Giá điều trị tối thiểu  từ 189-293,9 USD/tháng.
Tóm lại, các thuốc mới phát hiện gần đây tuy có đem lại thêm một số lựa chọn cho người mắc bệnh tiểu đường type 2. Nhưng thuốc còn quá mới nên các công trình nghiên cứu tác động lâu dài còn thiếu để đánh giá hết tác dụng lợi/hại của thuốc. Mặt khác giá thành điều trị rất đắt và chưa sẵn có ở Việt Nam cũng hạn chế việc sử dụng các loại thuốc này. Hiện tại, các thuốc kinh điển gồm sulphonylurea, metformin, glitazone, insulin là những thuốc mang lại hiệu rất tốt nếu biết dùng đúng cách.

Theo SK&ĐS

Mục tiêu và cách xử trí tiền đái tháo đường


Mục tiêu thay đổi hành vi lối sống được đặt lên hàng đầu vì nó an toàn và hiệu quả trong kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Mục tiêu điều trị huyết áp và mỡ máu cũng giống như đối với người bệnh ĐTĐ. Người mắc tiền ĐTĐ nên giảm cân nặng từ 5 đến 10% và về lâu dài nên duy trì mức cân nặng này, sử dụng các chiến lược như tự theo dõi, đặt mục tiêu điều trị khả thi, từng bước một, kiểm soát các tác nhân kích thích.
Cần ăn chế độ ăn giảm cân - giảm nguy cơ đái tháo đường.
Mục tiêu thay đổi hành vi lối sống được đặt lên hàng đầu vì nó an toàn và hiệu quả trong kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Mục tiêu điều trị huyết áp và mỡ máu cũng giống như đối với người bệnh ĐTĐ. Người mắc tiền ĐTĐ nên giảm cân nặng từ 5 đến 10% và về lâu dài nên duy trì mức cân nặng này, sử dụng các chiến lược như tự theo dõi, đặt mục tiêu điều trị khả thi, từng bước một, kiểm soát các tác nhân kích thích,

Thông thường, người bị tiền ĐTĐ nên tập thể dục ở mức độ vừa phải khoảng 30 đến 60 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày trong tuần. Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, chất béo bão hòa và phải đủ chất xơ. Giảm bớt muối và tránh đồ uống có cồn để kiểm soát huyết áp.
Vì FDA chưa duyệt cho dùng bất cứ loại thuốc nào để ngăn ngừa ĐTĐ, bất cứ quyết định dùng thuốc nào để điều trị tiền ĐTĐ đểu phải dựa trên chứng cứ xác đáng và phải cân nhắc lợi - hại. Đối với những người mắc tiền ĐTĐ với các yếu tố nguy cơ cao, có thể cân nhắc dùng thuốc hạ đường huyết kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện. Các thuốc metformin và acarbose khá an toàn và đã được chứng minh là làm chậm quá trình tiến triển từ tiền ĐTĐ lên ĐTĐ. TZD cũng ngăn ngừa tiền ĐTĐ tiến triển thành ĐTĐ nhưng vẫn còn một số lo ngại khi dùng thuốc này do các vấn đề liên quan tới suy tim do ứ huyết hoặc gây giòn xương.
Mặc dù chưa được FDA chấp thuận, Hiệp hội ĐTĐ Hoa kỳ vẫn đưa ra khuyến cáo metformin là thuốc duy nhất nên được xem xét để sử dụng phòng ĐTĐ. Metformin được khuyến cáo cho người có nguy cơ cao ở cả hai hình thức: tiền ĐTĐ (IGT và IFT), có chỉ số BMI ít nhất từ 25 và người dưới 60 tuổi.
Mỡ máu cũng phải được duy trì ở mức mục tiêu điều trị của người bệnh ĐTĐ. Nhóm statin được khuyên dùng để đạt mục tiêu điều trị: 100 mg/dL đối với LDL, 130mg/dL đối với HDL và 90mg/dL đối với apolipoprotein B. Fibrates, bile acid sequestrants, ezetimibe và một số loại thuốc khác có thể có tác dụng tốt đối với một số bệnh nhân. Niacin có thể làm giảm mỡ máu nhưng có nhiều nguy cơ gây tăng đường huyết.
Người mắc tiền ĐTĐ cũng phải duy trì mức huyết áp như mức mục tiêu được khuyến cáo hiện nay của người bệnh ĐTĐ (huyết áp tâm thu < 130mmHg và tâm trương 80mmHg). Thuốc ức chế men chuyển angiotensin hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin là lựa chọn hàng đầu và thuốc chẹn kênh canxi là lựa chọn thứ hai trong điều trị. Vì tác dụng phụ là hạ đường huyết nên tránh kê thiazides và/hoặc chẹn beta, nếu có thể.
Nên dùng aspirin cho tất cả những người mắc tiền ĐTĐ ít nguy cơ bị các bệnh dạ dày, ruột, xuất huyết não hoặc các loại xuất huyết khác.
Theo dõi tiền ĐTĐ và điều trị?
Người mắc tiền ĐTĐ nên làm xét nghiệm rối loạn dung nạp glucose hàng năm và kiểm tra microalbumin niệu và đường huyết đói, HbA1C, mỡ máu 6 tháng một lần. Bệnh nhân có nguy cơ cao nhất (có nhiều hơn một những yếu tố sau: rối loạn dung nạp glucose, rối loạn đường huyết đói, hoặc hội chứng rối loạn chuyển hóa) cần được theo dõi chặt chẽ hơn.
Phác đồ xử trí tại Việt Nam
Hiện nay chưa có khuyến cáo chính thức, nên theo chúng tôi, căn cứ vào những khuyến cáo tại Mỹ:
Thay đổi lối sống: Vai trò then chốt
- Giảm cân: 5 - 10% cân nặng
- Ăn ít chất béo, chất béo bão hòa, ăn nhiều chất xơ.
- Ăn nhạt.
- Tránh uống đồ cồn.
- Luyện tập thể dục: 30-60 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần.
Thuốc hạ đường huyết: metformin (metfamin 8501).
- Dùng khi thay đổi lối sống nhưng đường huyết vẫn nằm ở mức giới hạn cao.
- Mục tiêu: đường huyết <5,6mmol/L.
- Lợi ích: làm chậm tiến triển thành ĐTĐ, chậm biến chứng tim mạch.
- Độ an toàn của thuốc.
Điều trị các yếu tố nguy cơ:
- Điều trị mỡ máu:
LDL < 100mg /dL.
HDL > 130mg /dL.
Apolipoprotein B <90mg/dL.
- Điều trị Huyết áp:
HATT < 130mmHg.
HATTr < 80mmHg.
- Các yếu tố khác.
Theo BV Nội tiết TW

5 phút trong toilet mỗi ngày để phòng ung thư đại tràng


Mới đây bộ trưởng Y tế Pháp đã phát động một chiến dịch mang tên: “5 phút trong nhà vệ sinh mỗi ngày cứu chính mình khỏi căn bệnh ung thư đại tràng”.
Hàng năm, tại Pháp phát hiện thêm hơn 3.700 trường hợp mắc ung thư đại tràng mới. Đây là căn bệnh ung thư có số lượng người tử vong đứng thứ 3, sau ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vú tại đất nước này.  

Điều đáng chú ý là các chuyên gia đã khẳng định nếu căn bệnh này được phát hiện sớm thì tỷ lệ bệnh nhân sống thêm được 5 năm lên tới 94%. Ngược lại, cơ hội kéo dài sự sống của những bệnh nhân chậm đến bệnh viện là rất thấp (dưới 5%).
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là triệu chứng của căn bệnh này ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện. Chúng tương tự như những vẫn đề về tiêu hoá khác như đi ngoài hoặc táo bón, kết hợp với đau bụng, đi ngoài có máu nhưng mắt thường khó phát hiện.  
Để phòng căn bệnh đặc biệt nguy hiểm này, tất cả chúng ta, ở bất kể độ tuổi nào, hãy dành 5 phút một ngày trong nhà vệ sinh để giải quyết nhu cầu của cơ thể. Việc đi đại tiện đều đặn hàng ngày là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ cho sức khoẻ đường ruột nói chung và đại tràng nói riêng. Có hệ tiêu hoá tốt, chúng ta mới có thể có sức khỏe tốt. Đừng nói rằng không có thời gian, chỉ 5 phút mỗi ngày thôi là đủ để phòng ngừa ung thư đại tràng cho cả cuộc đời.
Nếu thấy lo lắng về đường tiêu hoá của mình, hãy đi khám bác sỹ để được làm test phát hiện ung thư đại tràng. Đặc biệt, những người ở độ tuổi từ 50 trở lên cần đến bệnh viện làm test 2 năm 1 lần
Theo Nouvelobs

Ung thư vú


Có tới 80% số phụ nữ bị ung thư vú khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn muộn và vì thế mà cơ may được chữa khỏi là rất ít. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm bệnh ung thư vú?

Các biện pháp được sử dụng để phát hiện sớm gồm: Tự khám vú, chụp vú và khám vú chuyên khoa
Tự khám vú 
Phương pháp này cần được tiến hành hàng tháng sau sạch kinh 5 ngày đối với phụ nữ từ 20 tuổi trở lên. Các bước tiến hành theo thứ tự sau: 

Chuẩn bị: Cần cởi bỏ áo, nơi tiến hành tự khám vú có thể ở buồng ngủ là tốt nhất hoặc có thể ở buồng tắm, có đầy đủ ánh sáng, có thể ngồi trên ghế hoặc đứng miễn là thoải mái. 
Quan sát: Xuôi tay, quan sát xem có các thay đổi ở vú: u cục, dầy lên, lõm da hoặc thay đổi mầu sắc da. 
-Đưa tay ra sau gáy, sau đó quan sát lại. 
-Chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hay hạ vai xuống. Động tác này làm cho các thay đổi nếu có sẽ rõ hơn. 
-Nặn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không. 
Sờ nắn: 
-Đưa tay phải ra sau gáy. 
-Dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú trở ra ngoài. 
-Kiểm tra (từng vùng của vú) và cả về phía hố nách. 
-Làm tương tự với vú bên trái. 
Khi nằm: 
-Nằm ngửa thoải mái 
-Đặt một gối mỏng ở dưới lưng bên trái. 
-Lặp lại quá trình khám như ở buồng tắm. 
-Chuyển gối, làm lại cho bên phải. 
Chụp vú 
-Chụp vú có ưu thế là có thể phát hiện các tổn thương bất thường ở tuyến vú ngay cả khi khám chưa sờ thấy có khối u mà nhiều trong số đó là ung thư. Vai trò của chụp vú trong sàng lọc đã được khẳng định, nhưng trong chẩn đoán khi đã có khối u rõ thì ít khi sử dụng chụp vú để phân biệt giữa tổn thương lành tính và ác tính. Bằng phương pháp này người ta ước tính mỗi nǎm đã giảm được 30% phụ nữ tử vong do ung thư vú ở Mỹ. 

Khám vú tại cơ sở y tế chuyên khoa 
Để khám vú, việc đầu tiên thầy thuốc phải tìm hiểu cẩn thận về bệnh sử của bệnh nhân. Ngoài các triệu chứng hiện tại cần biết các thông tin cơ bản về tình trạng kinh nguyệt và các yếu tố nguy cơ ung thư vú của người bệnh (bao gồm tiền sử gia đình, dùng thuốc tránh thai, số lần sinh...) 
Bệnh nhân phải cởi bỏ áo toàn bộ nửa trên cơ thể, thầy thuốc nên có thái độ nhã nhặn và người bệnh có thể mặc các áo khoác thích hợp để có thể cảm thấy thoải mái hơn. Nhìn là phần rất quan trọng trong khám vú, các bất thường tối thiểu chỉ được đánh giá chính xác khi so sánh hai vú với nhau. Khám vú nên thực hiện ở cả hai tư thế ngồi và nằm ngửa, trong suốt quá trình khám nên luôn luôn nhẹ nhàng. Người thầy thuốc quan sát vú khi bệnh nhân ở tư thế ngồi, hai tay buông xuôi, so sánh về kích thước và hình dạng vú. 
Những thay đổi về hình dạng vú khi không có phẫu thuật trước đó là vấn đề đáng quan tâm vì các khối u nằm ở bề mặt có thể gây ra các khối lồi ở rìa vú hoặc co kéo da phía trên. Mặc dù co kéo thường là dấu hiệu của sự ác tính, nhưng một số tổn thương lành tính ở vú như hoại tử mỡ hoặc các u tế bào hạt cũng có thể gây ra các hiện tượng này. Các nguyên nhân lành tính khác gây ra co kéo da gồm các phẫu thuật ở vú và viêm tĩnh mạch huyết khối các tĩnh mạch thượng vị ngực. 
Bác sĩ sẽ quan sát kỹ da và núm vú, nếu có phù ở da vú (màu da cam) thường xuất hiện nhanh và lan rộng. Phù tại chỗ thường gặp chủ yếu ở nửa dưới, vùng quanh quầng vú và phát hiện dễ dàng hơn khi cánh tay giơ cao. Đỏ da là dấu hiệu khác của bệnh nên lưu ý khi quan sát vú. Nó có thể là do viêm mô tế bào, áp-xe vú hoặc cũng có thể là ung thư vú thể viêm. Đỏ da trong ung thư vú thể viêm thường tổn thương toàn bộ vú nhưng khác với viêm do nhiễm khuẩn là vú không đau và không nóng. Một tỷ lệ nhỏ các phụ nữ vú to có đám da đỏ nhẹ ở phần di động nhất của vú, hiện tượng này mất đi khi nằm. Đây là hiện tượng bình thường và không có gì phải lo lắng. 
Khi khám vú ngoài việc quan sát đồng tâm, cần lưu ý đến sự co kéo và các thay đổi màu da. Nếu có hiện tượng co kéo núm vú mới xuất hiện là dấu hiệu cần hết sức lưu ý (trừ khi hiện tượng này xuất hiện ngay khi mới thôi cho con bú). Loét hoặc các eczema của núm vú... cũng phải hết sức lưu ý. 
Sau đó, bác sĩ sẽ khám vú ở tư thế ngồi thẳng để phát hiện các tổn thương mà khi khám ở vị trí nằm có thể không rõ (các tổn thương ở phần gần hố nách của vú).
Sau khi khám ở tư thế ngồi thẳng, thì khám ở tư thế nằm 
Khám ở tư thế nằm khám hạch vùng để phát hiện kích thước, số lượng, hạch cứng hay mềm, đau hay không đau, đơn độc hay có nhiều cái, dính nhau hay không, hạch có dính vào tổ chức ở hố nách? Hạch di động hay cố định? Dựa trên các thông tin này thầy thuốc có thể đánh giá các hạch này có nghi ngờ bị tổn thương về mặt lâm sàng hay không. 
Một trong những điều khó khǎn nhất của chị em khi khám vú là các cấu trúc cục không đều của mô vú lành ở các phụ nữ tiền mãn kinh. Vú thường tạo thành các cục ở 1/4 trên ngoài, nơi mà mô tuyến vú là nhiều nhất, ở vùng lồi lên dưới vú và ở vùng dưới quầng vú. Nếu vẫn không chắc chắn về ý nghĩa của các cục trong vú ở các phụ nữ tiền mãn kinh, thì việc khám lại ở thời điểm khác trong chu kỳ kinh nguyệt có thể sẽ giúp làm rõ vấn đề. 
Theo SK&ĐS

Phát hiện ung thư vú qua nước bọt


Hai bác sĩ nha khoa Sebastian Z. Paige và Charles F. Streckfus mới đây đã công bố phương pháp thử nghiệm nước bọt để phát hiện ung thư vú ở phụ nữ. Theo các tác giả thì thử nghiệm này tương đối an toàn, không cần dùng kim chích vào u bướu để làm sinh thiết nhưng có thể phân tích các ARN trong nước bọt.

Hai bác sĩ nha khoa Sebastian Z. Paige và Charles F. Streckfus mới đây đã công bố phương pháp thử nghiệm nước bọt để phát hiện ung thư vú ở phụ nữ. Theo các tác giả thì thử nghiệm này tương đối an toàn, không cần dùng kim chích vào u bướu để làm sinh thiết nhưng có thể phân tích các ARN trong nước bọt.

BS. Beverlỵ Sullivan thuộc Đại học Wyoming cũng đang nghiên cứu và khuyến cáo việc sử dụng một phương pháp sinh học để phát hiện HER-2 trong nước bọt - cơ sở có thể chẩn đoán ung thư vú ở phụ nữ sớm hơn là cách chụp X quang. Tác giả dùng kỹ thuật Surface Plasmon Resonance Spectroscopy để truy tầm HER-2. Tính chất nhạy cảm của kỹ thuật có thể giúp phát hiện HER-2 ở liều lượng cực nhỏ trong nước bọt.
GS. David T. Wong thuộc Đại học Nha khoa UCLA cũng đã nghiên cứu và tìm thấy vết ARN trong nước bọt tiên đoán tế bào ung thư miệng và ung thư vú.
Hy vọng trong tương lai, thử nghiệm này có thể phối hợp với những phương pháp thường dùng như chụp hình quang tuyến mammogram hay siêu âm vú trong việc định bệnh ung thư vú ở phụ nữ.
Theo Medicine and Pharmacy Today

Ung thư cổ tử cung, nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa


Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ ai và đặc biệt, bệnh thường tấn công vào phụ nữ ở 35-40 tuổi trở đi. Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến và gây tử vong cao hàng đầu ở phụ nữ hiện nay1. Trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 270 ngàn bệnh nhân ung thư cổ tử cung tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm có đến hơn 6 ngàn phụ nữ phát hiện bị ung thư cổ tử cung và cứ mỗi ngày thì có 9 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Một số lý do dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh UTCTC cao bao gồm số phụ nữ tham gia khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát ung thư còn thấp, các chương trình tầm soát cũng chưa được bao phủ rộng, ý thức phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn hạn chế do thiếu những chương trình tuyên truyền giáo dục.

Gánh nặng

Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ ai và đặc biệt, bệnh thường tấn công vào phụ nữ ở 35-40 4 tuổi trở đi. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của một người phụ nữ với nhiều thiên chức lớn lao: làm vợ, làm mẹ, là người chăm sóc gia đình và hơn thế nữa, ở độ tuổi này phụ nữ cũng đồng thời đã tạo dựng được sự nghiệp của mình
Nhiều năm làm việc trong ngành sản phụ khoa, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, tôi nhận thấy những chị em bị ung thư cổ tử cung phải gánh chịu những ảnh hưởng lớn về thể chất và tinh thần. Ngay khi nhận một kết quả xét nghiệm bất thường hay chẩn đoán có những tổn thương tiền ung thư, chất lượng cuộc sống của người phụ nữ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tinh thần suy sụp và nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực; lo lắng về khả năng sống còn của bản thân, kèm theo những nỗi lo cho gia đình, tài chính, về khả năng chăm sóc con cái, khả năng mang thai và hạnh phúc gia đình khi điều trị. Đó là chưa kể những gánh nặng tâm lý mà toàn thể gia đình của bệnh nhân phải gánh chịu, cũng như gánh năng về tài chính khi mất nguồn thu nhập trong gia đình, phí tổn không nhỏ cho việc điều trị.
Nguyên nhân
Do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra. HPV rất dễ lây lan và hầu hết mọi phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm phải. Trung bình cứ 10 phụ nữ thì có đến 8 người có thể từng một lần nhiễm HPV trong đời 2,3,4. Do đó quan niệm ung thư cổ tử cung không thể xảy đến với mình nên không cần những biện pháp phòng ngừa là sai lầm cần phải thay đổi.
HPV là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung
Không phải cứ nhiễm HPV là bị ung thư cổ tử cung. Nhiều chị em nhiễm HPV rồi tự hết mà không cần điều trị. Một số khác nhiễm lâu dài với những loại HPV có khả năng gây ung thư qua nhiều năm thì các tổn thương sẽ dần dần tiến triển ở cổ tử cung và trở thành ung thư. Những loại HPV gây ra ung thư cổ tử cung nhiều nhất là HPV 16, 18, 31, 45. 4 tuýp này là thủ phạm gây ra hơn 80% các ca ung thư cổ tử cung5.
Triệu chứng
Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ nhiễm HPV, đến những bất thường ở cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm. Đặc biệt giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, bệnh nhân có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không đang ở chu kì kinh nguyệt, hoặc nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân. Nếu chị em thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng này. Khi các triệu chứng bị bỏ qua thì ung thư sẽ có thời gian để tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn và việc điều trị sẽ càng khó khắn.
Phòng ngừa
Có 2 cách phòng ngừa là tiêm vắc xin để phòng nhiễm các tuýp HPV gây ung thư cổ tử cung và khám tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phết tế bào cổ tử cung định kỳ cho những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Việc phòng ngừa đạt kết quả cao nhất khi kết hợp 2 phương pháp này.
Khám tầm soát thường qui cho mẹ, chủng ngừa HPV cho con để ngăn chặn ung thư cổ tử cung
Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc xin ngừa những tuýp HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nự từ 10 đến 25 tuổi, kể cả người chưa và đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm. Bên cạnh đó những chị em đã có gia đình cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ, ít nhất 1 năm/ 1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.
Theo dantri

Tài liệu tham khảo
1. WHO/ICO Information Center on HPV and Cervical Cancer (HPV information Center). Human Pappilomavirus and related cancers in Vietnam. Summary Report 2010
2. Burchell Ann N, Winer RachelL, Saniose Silvia de, Tranco Tduardo L. Chapter 6: Epidemiology and transmission dynamics of genital HPV Infection. Vaccine 2453(2006) 53 53-61
3. Schwarz, Leo, Immune response to human papillomavirus after phrophylactic vaccination with AS04-adjuvanted HPV-16/18 vaccine: improving upon nature. Gyne. Onco 110 (2008) S1-S10
4. Bosch FX et al.J Clin Pathol 2002; 55: 244-65
5. Munoz et al, Against which human pappilomavirus types shall we vaccinate and screen? The international perspective. Int. J. Cancer: 111, 278-285 (2004).